Trần Đình Xuân Dũng (hàng đầu tiên ngoài cùng). Ảnh: DT |
Hôm ấy, anh Xuân Dũng về thành phố Tân An theo dõi trận bóng Thừa Thiên Huế gặp Long An. Anh vẫn thế, là trường hợp gần như duy nhất của Báo Thừa Thiên Huế, dám chịu chơi và chịu chi khi bỏ tiền tự túc để theo dõi và viết bài (thể thao) ở bên ngoài tỉnh. Nhờ thế mà Báo Thừa Thiên Huế bấy giờ, có hẳn một chuyên mục thể thao trên các số báo hằng ngày, với bài viết ghi rõ đầy lãng mạn cái tên tác giả Thiên Sứ và Hoa Phong Lan, fax từ…
Dạo giữa thập niên 1990, bóng đá Thừa Thiên Huế lên ngôi, không chỉ là ngôi á quân ở mùa giải 1994 - 1995 mà còn là phong trào cổ động cho đội bóng. Tôi vào Sài Gòn, gặp bà con và đồng hương, ai cũng hồ hởi đi ủng hộ khi hay tin đội bóng Cố đô vào thi đấu ở thành phố mang tên Bác. Mỗi lần đội bóng thi đấu ngoài tỉnh, Hội cổ động viên Thừa Thiên Huế được sự trợ giúp của doanh nghiệp taxi ATC đều tổ chức cả đoàn xe với cờ trống rợp trời đi cổ động.
Truyền thông Thừa Thiên Huế cũng tích cực vào cuộc với nét riêng không thể lẫn vào đâu được. Đặc biệt, Trưởng đài Truyền thanh thành phố Huế khi đó là Nhà báo Lê Văn Lân đã tổ chức truyền thanh trực tiếp bằng chiếc điện thoại “cùi bắp” mà một trong những bình luận viên kiêm phát thanh viên chủ chốt là anh Trần Đình Xuân Dũng khi đó đang công tác ở ngành thể thao. Ngồi trên khán đài, bình luận viên vô tư tường thuật trận bóng qua chiếc điện thoại. Để rồi, qua sóng bưu điện chuyển về Huế và khán thính giả đam mê như tôi, ôm cột loa truyền thanh nghe… bóng đá.
Báo Thừa Thiên Huế cũng hăng hái nhập cuộc bằng những phụ trương thể thao trong năm 1996. Nội dung chính là thông tin về các trận đấu của đội bóng Thừa Thiên Huế tại Giải Vô địch Quốc gia năm 1996. Cạnh đó là các thông tin về các sự kiện thể thao nổi bật, gương mặt thể thao và cả những chuyện bên lề sân cỏ. Anh Trần Đình Xuân Dũng lúc đó được mời về làm việc. Và trong vai trò một cây bút thể thao, anh được cử bám theo đội bóng ở các sân cỏ để chuyển bài về Tòa soạn ngay sau trận đấu. Báo còn kết nối với nhiều cây bút thể thao tiếng tăm khác trong nước để tờ phụ trương có nhiều phong cách viết đa dạng.
Không khí làm việc rất vui và khẩn trương. Có lúc Tòa soạn làm việc đến tận 1 - 2 giờ sáng để sớm hôm sau có thông tin về các trận đấu chuyển tới tay bạn đọc. Đáng tiếc, do đội bóng tỉnh nhà “tuột dốc không phanh”, người xem không còn mặn mà nên phụ trương thể thao mang tính “ăn theo” đành phải dừng lại số báo 13 (thứ hai, ngày 29/4/1996). Và sau sự kiện này, Trần Đình Xuân Dũng chính thức được Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú mời về đầu quân để chăm lo mục thể thao cho báo.
Bấy giờ, anh Xuân Dũng cũng đã ngoài 40 tuổi. Sòng phẳng mà nói, anh thuộc loại xấu trai (dáng thấp, đi doi doi, miệng hơi vẩu…) nhưng nhìn trông rất lãng tử. Anh vốn là một huấn luyện viên bóng bàn nên vào thời điểm đó, phong trào bóng bàn của báo đặc biệt lên cao. Anh em phóng viên chúng tôi hết giờ làm việc là cầm ngay chiếc vợt, chơi tới khi mô mệt mới nghỉ. Thỉnh thoảng được anh dợt cho vài đường, nhưng ai cũng chịu không tài nào theo kịp những đường banh của anh.
Cũng chỉ là nhan sắc khiêm tốn nhưng sống lãng tử, tình cảm và rất tài hoa nên bao giờ Xuân Dũng cũng có em út bên cạnh mà toàn là gái đẹp và gái trẻ. Cái bút danh “Thiên Sứ và Hoa Phong Lan” có lẽ bắt nguồn từ đó. Tôi làm Thư ký Tòa soạn và một trong những nhiệm vụ hằng ngày bấy giờ là chờ bài fax của Thiên Sứ và Hoa Phong Lan, mà có khi chỉ là fax... từ An Cựu lên. Báo Thừa Thiên Huế hằng ngày thời điểm đó có chuyên mục đáng nhớ là Thơ và Thể thao với bài fax của Thiên Sứ và Hoa Phong Lan.
Gần gũi với Trần Đình Xuân Dũng, tôi cảm nhận sự ham chơi, có khi quên cả gia đình, tính phóng khoáng và cả cách làm báo hơi lạ so với bấy giờ. Có thể vào tận miền Tây để theo dõi một trận đấu bóng của đội Thừa Thiên Huế thi đấu mà tôi kể ở mở đầu bài viết này là chuyện thường... ở Xuân Dũng. Cũng "may" là Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú cũng là lãnh đạo "chịu chơi" và "chịu chi" nên Thiên Sứ và Hoa Phong Lan được tự do rong ruổi để thỏa nguyện với công việc.
Ngoài viết bài cho báo, anh còn cộng tác với nhiều chuyên mục thể thao của các tờ báo lớn trong nước, trong đó có tờ Sài Gòn Giải Phóng nên anh làm việc thường xuyên, hầu như không có trận banh nào trên sân Tự Do lại vắng anh và cả những bóng hồng. Viết bài thể thao, anh Xuân Dũng kết hợp với nguồn tư liệu do mình săn tìm và cả nguồn tư liệu ngồn ngộn trên các báo mà anh được biếu hay bỏ tiền ra mua hằng ngày để có được chiều sâu của vấn đề và những thông tin mang tính bổ trợ. Và, đó là điều mà tôi học tập từ anh.
Đang làm việc vô tư và cũng đang vui, tôi hay tin anh ốm, rồi chưa kịp ghé thăm thì tin buồn ập tới, báo tin phút chốc anh đã trở thành “Thiên sứ”, đành đoạn bỏ lại hồng trần người thân, đồng nghiệp và cả những “Hoa Phong Lan”. Mới đó mà ngót nghét cũng đã hàng chục năm rồi. Ngày 21/6 trở về trong mùa EURO rộn rã lại nhớ tới người đồng nghiệp lớn tuổi tài hoa: “Thiên Sứ và Hoa Phong Lan”.