Thanh Nga tự tin tham gia các tiết mục văn nghệ trong đêm khai mạc Festival Huế 2024 

Nói về cơ duyên để em nuôi lớn và quyết tâm thực hiện ước mơ vào cánh cổng đại học của mình, Thanh Nga cho biết: Trước đây em nhút nhát lắm, gặp người lạ là không dám nói chuyện chứ đừng nói đứng biểu diễn trên sân khấu chật kín người như vậy. Nhưng từ năm 2018,  khi bắt đầu tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) Quyền trẻ em của dự án AC Dự án: “Thúc đẩy thực hiện các quyền của trẻ em người dân tộc dễ bị tổn thương tại ba xã thuộc huyện A Lưới,”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập, em đã bắt đầu tự thay đổi mình. Khi tham gia CLB ngoài việc được trang bị thêm nhiều kiến thức về pháp luật, quyền trẻ em, em được hoạt động ngoại khóa, học kỹ năng rất nhiều... Nhất là những kỹ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông.

Trước đó, Nga vẫn luôn có một suy nghĩ đó là mình sinh ra và lớn lên ở miền núi, là người đồng bào nên chắc cũng chỉ cố gắng học hết cấp 3 là được rồi. Nhưng sau những chuyến vượt đèo về phố để giao lưu, học hỏi cùng các CLB Quyền trẻ em trên toàn tỉnh, được tiếp xúc với những điều mới mẻ, tươi đẹp, được tìm hiểu về “thế giới ngoài kia” cùng những cơ hội rộng mở cho tương lai, Thanh Nga đã nhen nhóm ước mơ bước chân vào cánh cổng trường đại học trong tương lai gần.

Chính ước mơ đó đã càng giúp em cố gắng hơn và quyết tâm học tập thật tốt. Nhưng học tập thôi là chưa đủ, em cũng từng bước rèn luyện các năng khiếu của mình, nhất là năng khiếu múa, hát. Bởi em bắt đầu nhận thức được, năng khiếu cũng chính là một “bước đệm” để em có thể hòa nhập, để em có thể trau dồi các kỹ năng, nhất là sự tự tin.

Khi tham gia CLB, không những tiếp thu, trau dồi những kiến thức đó cho riêng mình, Thanh Nga và các bạn đã trở thành những tuyên truyền viên năng động khi dám nói lên tiếng nói của bản thân, sẵn sàng bảo vệ những em nhỏ trước những bất công, các mối đe dọa... Bằng những kiến thức về bình đẳng giới, luật trẻ em, tảo hôn... Thanh Nga và các bạn thường xuyên chia sẻ cùng cha mẹ, người thân về những ước mơ, hoài bão của mình, những điều tốt đẹp mà các em được biết, được tiếp xúc ở ngoài kia để đẩy lùi, ngăn chặn những phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn...     

Thanh Nga kể, em còn nhớ khi em còn nhỏ ở địa phương em có rất nhiều trường hợp tảo hôn  và kết hôn cận huyết thống. Nhưng khi đó em cũng chẳng biết như vậy là trái pháp luật và gây ra nhiều hệ lụy cho những thế hệ sau. Nhưng tới khi đi học THCS và tham gia CLB được trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản, luật hôn nhân gia đình... em mới biết thế nào là phải làm cha mẹ trong độ tuổi đáng lẽ còn được ngồi trên ghế nhà trường và buồn hơn là những cặp vợ chồng kết hôn dù có quan hệ họ hàng, huyết thống. Hơn nữa, lấy vợ, lấy chồng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” vất vả vô cùng, đó là chưa kể nếu những cặp vợ chồng cận huyết thống lấy nhau sinh con sẽ rất “khó nuôi” bởi con luôn đau ốm, bệnh tật.

Và khi đã có kiến thức, em cùng các bạn là thành viên trong CLB đã không ngần ngại chia sẻ những điều mình biết, mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình và sẵn sàng dùng luật để bảo vệ những em nhỏ bị bạo lực, những thiếu nữ khi bị cha mẹ, gia đình ép cưới hỏi khi chưa đủ tuổi. Trong độ tuổi vị thành niên, chúng em có rất nhiều cách để “phản kháng” sự bất công, nếu mình nói gia đình, người thân chưa hiểu, chưa lắng nghe thì mình có thể báo với những người có uy tính trong thôn bản, các cấp hội phụ nữ... để nhờ can thiệp. Thật đáng mừng, khi đời sống người dân quê em ngày càng khá lên, bà con cũng được tiếp xúc với mạng xã hội, có thêm được nhiều kiến thức nên những hủ tục, sự phân biệt giới như trọng nam khinh nữ, nạn tảo hôn... cũng đang dần được xóa bỏ.

CLB của Thanh Nga có từ 15 đến 20 bạn, tất cả đều học hết cấp 3 và phần lớn đều học tiếp ở các trường trung cấp, cao đẳng và đại học. Chính sự thay đổi trong nhận thực, tư duy và tự tin vào bản thân Thanh Nga và các bạn không những đã thay đổi mình theo chiều hướng tích cực mà cùng nhau góp sức thay đổi những hủ tục, những điều chưa đúng ở người thân, bản làng của mình.

Bài, ảnh: Thanh Thảo