Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận ở tổ 7 gồm các đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Đăk Nông, Long An.

Tham gia thảo luận, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu thống nhất với các nội dung liên quan đến cải cách tiền lương, song ông Lưu cho rằng cần tính toán lại mức lương mới theo phụ cấp. Bởi, theo đại biểu, hiện, mỗi ngành, lĩnh vực đều có đặc thù riêng, nếu áp dụng mức lương mới nhưng lại thấp hơn mức lương cũ sẽ gây ra nhiều khó khăn.

Đại biểu Phạm Như Hiệp (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) quan tâm đến vấn đề nguồn lực để thực hiện việc cải cách tiền lương cho phù hợp; đồng thời  xây dựng cơ chế như thế nào để cải cách tiền lương đáp ứng nhu cầu theo các ngành nghề.

Trước những khó khăn về tình hình kinh tế - xã hội, cũng như khó khăn trong xây dựng đề án vị trí việc làm, đại biểu Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) đề nghị cần phân tích kỹ các yếu tố trong công tác cải cách tiền lương. Với đặc thù từng ngành, lĩnh vực riêng, ông Nam cho rằng, mức lương mới không thể “cào bằng”. Ngoài ra, cải cách tiền lương cần tập trung được vào mục tiêu chính và làm thế nào để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Liên quan đến việc kéo dài thời gian tài trợ vốn cho Vietnam Airlines, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản thống nhất, bởi đây là Hãng Hàng không Quốc gia.

Đại biểu Lê Trường Lưu đề nghị nên cơ cấu và hỗ trợ vốn cho Vietnam Airlines vượt qua những khó khăn đang vấp phải, phục hồi các hoạt động.

Đánh giá về vấn đề này, đại biểu Phạm Như Hiệp nhận định, hỗ trợ cho Vietnam Airlines là bài toán mang tính khách quan lẫn chủ quan. Khách quan đó là những khó khăn mà hãng hàng không này đang gặp phải trong thời gian vừa qua; về mặt chủ quan phải nhìn nhận để tạo ra mô hình như thế nào để Vietnam Airlines hoạt động hiệu quả.

Quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, ngoài kinh doanh, Vietnam Airlines còn có vai trò đặc biệt về an ninh kinh tế. "Đây là hãng hàng không Quốc gia, để có thể hoạt động một cách chủ động thì cần được đảm bảo trong các tình huống. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cần phải đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn cũng như cam kết thời hạn trả vốn, đặc biệt là khả năng hoàn trả", ông Nam nói.

Trước đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7.  

Sau nhiều lần họp Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và Thường trực Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành liên quan; trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19/6/2024, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo quan điểm, nguyên tắc bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội đồng thời cũng bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp. Giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển; những nội dung trong các nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện thì triển khai ngay.

Những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn, phức tạp tình hình, hướng đến cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

NGỌC NHI