Cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn phường Thủy Vân (bìa trái) trao đổi thông tin vay vốn với chị em có nhu cầu |
Sử dụng vốn đúng mục đích
Sau khi vay được nguồn vốn do Hội LHPN phường Hương Long, TP. Huế tín chấp, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, HVPV Chi hội 5 đầu tư mở cửa hàng tạp hóa tại chợ Thông. Được tập huấn, trang bị thêm về những kiến thức khởi nghiệp, ứng xử khi kinh doanh, buôn bán chị Ngọc đã sử dụng đồng vốn có hiệu quả thực sự.
Chị Lê Thị Dịu, HVPN Chi hội 5 đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi qua kênh của phụ nữ để xây quán, mua bàn ghế và mở quán bán bún riêu buổi sáng và bán cơm vào buổi chiều. “Sẵn có nghề nhưng khi được vay vốn ưu đãi, làm quán rộng hơn, mát mẻ, tươm tất hơn, lượng khách cũng tăng lên đáng kể. Không những đã trả gần hết nợ, mà gia đình cũng có nguồn thu ổn định”, chị Dịu cho biết.
Chị Nguyễn Thị Mai, Chi hội trưởng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) Chi hội 5 cho biết: Không phải chỉ chịu trách nhiệm thu lãi và gốc, mà để đồng vốn thực sự có hiệu quả, chúng tôi luôn giám sát quá trình sử dụng vốn của chị em. Nhất là việc giúp đỡ, định hướng để chị em có hướng phát triển đúng, phù hợp. Đối với những trường hợp sử dụng vốn chưa hiệu quả, Chi hội tìm hiểu nguyên nhân, báo lên Hội LHPN phường để có hướng giải quyết, giúp đỡ kịp thời.
Bà Võ Thị Yến My, Chủ tịch Hội LHPN phường Hương Long cho biết: Hiện, trên địa bàn có 10 tổ TK&VV Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), với 579 hộ vay, tổng dư nợ gần 18 tỷ đồng, không có trường hợp nợ quá hạn. Từ nguồn vốn vay đó đã tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn phường. Để nguồn vốn tiếp tục phát huy hiệu quả, Hội LHPN phường thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ vay vốn để làm tốt công tác ủy thác. Phối hợp với các ban, ngành động viên HVPN chấp hành cam kết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Luôn theo sát quá trình phát triển kinh tế của hội viên vay vốn nên chị Phạm Thị Yên, Chi hội trưởng, Tổ trưởng Tổ TK&VV tổ dân phố Dạ Lê, phường Thủy Vân, TP. Huế nắm rõ được những trường hợp phát triển kinh tế hiệu quả và những trường hợp chưa hiệu quả.
“Với vai trò trách nhiệm của người tổ trưởng, tôi luôn tham gia tốt các lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn của Ngân hàng CSXH phối hợp với HLHPN phường, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ vay vốn… Qua đó, giúp tôi nắm bắt, tiếp thu kịp thời những vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng, để tiến hành bình xét đối tượng được thụ hưởng đến quá trình sử dụng vốn vay đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi một cách công bằng, mang lại hiệu quả cao nhất, giúp hộ vay trả lãi và gốc đúng thời gian quy định...”, chị Yên cho biết.
Quản lý chặt để tăng hiệu quả
Tính đến 3/2024, tỷ lệ vốn nhận ủy thác qua các cấp hội phụ nữ chiếm tỷ trọng 55,59%, tổng dư nợ vốn CSXH trên địa bàn tỉnh hơn 2.450 tỷ đồng, với 1.238 tổ TK&VV. Chất lượng quản lý tổ ngày càng được củng cố và nâng cao. Không có trường hợp xâm tiêu chiếm dụng.
Các tổ TK&VV được thành lập theo địa bàn thôn, tổ dân phố, được bầu ban quản lý tổ để điều hành hoạt động và thực hiện các công việc được Ngân hàng CSXH ủy nhiệm dưới sự giám sát của hội LHPN xã, phường, thị trấn. Tổ viên được vay vốn phải qua bình xét, đủ điều kiện vay vốn và được UBND các xã, phường, thị trấn xác nhận, các tổ viên phải thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có và cam kết trong việc vay vốn và trả nợ ngân hàng.
Hội LHPN các cấp cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn lại tổ hoạt động yếu kém, không có năng lực và trách nhiệm trong công việc, lựa chọn những cá nhân có năng lực làm tổ trưởng để phát huy vai trò ủy nhiệm, trở thành cầu nối quan trọng trong thực hiện tuyên truyền và quản lý vốn. Các tổ TK&VV bình xét hộ vay vốn công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng theo từng chương trình tín dụng. Các hộ vay tham gia sinh hoạt định kỳ cùng các tổ TK&VV, qua đó nắm bắt được những khó khăn, đề xuất, kiến nghị của tổ viên và bàn biện pháp tháo gỡ. Nhiều trường hợp chị em vay vốn gặp rủi ro, hội đã vận động các thành viên trong tổ TK&VV giúp đỡ để trả vốn, lãi.
Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đến nay, có 12 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác và 131 tổ liên kết do hội phụ nữ các cấp hỗ trợ thành lập; 162 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ; gần 3.000 phụ nữ phát triển kinh doanh được các cấp hội kết nối hỗ trợ thông qua các hình thức như: vay vốn, hỗ trợ vật dụng sản xuất,… Qua đó, giúp phụ nữ từng bước thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia thị trường online, sàn giao dịch điện tử để mở rộng hoạt động kinh doanh, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm. Đồng thời, mở rộng liên kết sản xuất, từng bước phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, đặc sản, OCOP...