Khách Đài Loan (Trung Quốc) đến Huế qua đường bay thẳng đến sân bay quốc tế Phú Bài |
Chuyến bay xuyên suốt năm
Kể từ khi Nhà ga quốc tế T2 Phú Bài đi vào hoạt động (ngày 28/4/2023), Thừa Thiên Huế đã duy trì khá tốt các chuyến bay charter từ những đường bay đã được khai thác là Thừa Thiên Huế - thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); Thừa Thiên Huế - Seoul (Hàn Quốc); Thừa Thiên Huế - Đài Bắc (Đài Loan), trong đó có khoảng 10 chuyến bay đến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Một tin vui là, từ những chuyến bay charter, chính quyền địa phương, ngành du lịch và các ban ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác từ Đài Loan để phát triển đường bay định kỳ. Dự kiến từ 1/9, mỗi tháng sẽ có 4 chuyến bay từ Đài Loan (Trung Quốc) về Thừa Thiên Huế. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, các chuyến bay trên diễn ra vào ban đêm, thứ Sáu hàng tuần và sẽ bay suốt năm với 48 chuyến. Phía đối tác Đài Loan (Trung Quốc) triển khai các giải pháp để trong một năm, các chuyến bay này được thực hiện đúng kế hoạch và đưa 22.600 khách đến Huế.
Ở chiều ngược lại, các bên sẽ nỗ lực thu hút khách về Huế sẽ bay sang Đài Loan (Trung Quốc). Các chuyến bay xuyên suốt trong năm kỳ vọng là tạo được lực đẩy mạnh để “mở cửa bầu trời”, phát triển hơn nữa đường bay này cùng các đường bay quốc tế.
Theo đại diện Sở Du lịch, định hướng của tỉnh và trong thời gian qua cũng đã triển khai rất quyết liệt là tiếp tục hợp tác với các hãng hàng không trong nước và các đối tác quốc tế phát triển các đường bay, xúc tiến thu hút khách từ nhiều quốc gia đến với Cố đô Huế của Việt Nam. Ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu thu hút mạnh mẽ khách quốc tế bằng đường hàng không từ những đường bay thẳng. Các chuyến bay charter chỉ là nhiệm vụ khởi đầu, mục tiêu hướng đến các các chuyến bay thương mại, duy trì và phát triển các chuyến bay thường xuyên đến và đi từ sân bay quốc tế Phú Bài.
Đường bay từ Đài Loan (Trung Quốc) về Thừa Thiên Huế được duy trì thường xuyên và có tính định kỳ sẽ mang lại nhiều cơ hội cho du lịch Huế. Khi đáp xuống sân bay quốc tế Phú Bài, khách lưu trú lại ở Huế và tìm đến các điểm du lịch của Huế để trải nghiệm. Khách Đài Loan với đặc tính “không ngại” chi tiêu sẽ mang lại những lợi ích và cơ hội để phát triển du lịch Cố đô, nếu doanh nghiệp du lịch và những người làm du lịch biết cách khai thác và cung ứng dịch vụ đáp ứng yêu cầu.
Giữ thị trường và hút khách
Nhìn vào thống kê lượng khách đến Thừa Thiên Huế những tháng vừa qua, có thể thấy Đài Loan (Trung Quốc) thường xuyên có tên trong danh sách top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế. Với việc phát triển được đường bay định kỳ, cơ hội cho du lịch Huế từ thị trường khách này sẽ lớn hơn nhiều.
Khách Đài Loan không ngại chi tiêu và mang lại nhiều cơ hội cho du lịch Huế. Tuy nhiên, họ chỉ sẵn sàng chi tiền khi dịch vụ đáp ứng. Thực tế, khách Đài Loan thích tìm hiểu về văn hóa, có xu hướng ưa thích các sản phẩm du lịch ở tầm cao khá giống với khách Nhật Bản. Nói điều này để thấy, họ luôn đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao và đây là vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và những người làm du lịch ở Huế.
Có thể nói, 1 năm - 48 chuyến bay từ Đài Loan (Trung Quốc) sắp tới là cơ hội, cũng là thách thức lớn với du lịch Huế nếu muốn mở rộng thị trường khách Đài Loan đầy tiềm năng. Bên cạnh việc phát triển các tour truyền thống, phải nghiên cứu, đầu tư và làm mới, tăng sức hấp dẫn hơn các sản phẩm du lịch, tour tuyến phục vụ cho thị trường khách này.
Theo dự kiến, khách đi chuyến bay từ Đài Loan (Trung Quốc) đến Huế sẽ lưu trú 1 ngày 1 đêm ở Huế và tham quan, trải nghiệm nhiều điểm du lịch. Để kéo dài thời gian lưu trú và tăng trải nghiệm của khách, ngành du lịch và các đơn vị lữ hành, du lịch phải xây dựng các giải pháp làm tăng tính hấp dẫn cho điểm đến bên cạnh các chính sách ưu đãi hợp lý. Mặt khác, khách sẽ kết hợp đi du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Với liên kết vùng đang rất tốt hiện nay, các bên sẽ phối hợp để khai thác, hướng đến lợi ích chung, lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, khách Đài Loan thường quan tâm đến các trải nghiệm di sản, văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực… Trên chính các thế mạnh sẵn có của địa phương, ngành du lịch, cộng đồng doanh nghiệp sẽ khai thác, gia tăng thêm các hoạt động mang tính trải nghiệm, phối hợp các đơn vị tổ chức tốt các lễ hội để thu hút khách. Bên cạnh đó, khi có thông tin về các hoạt động của Festival Huế hay các sự kiện lễ hội, sẽ tập trung công tác quảng bá sớm để các đơn vị lữ hành xây dựng tour tuyến hợp lý nhằm giới thiệu đến du khách.