Những phiên tòa giả định do Hội LHPN các cấp tổ chức thu hút hàng trăm hội viên tham gia |
Mô hình “PTGĐ” được xây dựng, triển khai vào thực tế xuất phát từ mục đích nhằm nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động hội viên chấp hành pháp luật tại cơ sở, tuyên truyền luật pháp đến với người thân trong gia đình, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.
PTGĐ tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông được Hội LHPN TP. Huế tổ chức chật kín người theo dõi, đó là những hội viên phụ nữ, học sinh trong độ tuổi vị thành niên.
PTGĐ dựa trên một vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng của một vụ án hình sự. Nội dung của PTGĐ xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260 và Điều 264 của Bộ Luật Hình sự.
Chăm chú theo dõi từng tình tiết của vụ án tại PTGĐ, chị Hương, hội viên phụ nữ phường Phú Thượng bộc bạch: Đúng là có tham dự phiên tòa tôi mới hiểu thêm cặn kẽ về một số điều luật. Vẫn biết là giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi là vi phạm luật giao thông. Nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản là sẽ bị tịch thu xe và xử phạt hành chính, chứ chưa từng nghĩ lỡ có chuyện gì không may xảy ra thì hệ lụy lại nặng nề như thế này. Đây cũng chính là những kiến thức pháp luật cơ bản mà mỗi người làm cha, làm mẹ cần phải có để giáo dục và kiên quyết hơn với con cái của mình trong độ tuổi vị thành niên khi các cháu tham gia giao thông.
Còn PTGĐ do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức đã mang đến cho hội viên phụ nữ nhiều kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, tự bảo vệ bản thân trước bạo lực gia đình. Bởi trong cuộc chiến chống bạo lực gia đình, phụ nữ không hề đơn độc mà còn có sự bảo vệ của luật pháp, sự hỗ trợ của các cấp Hội... Điều quan trọng là mỗi hội viên phải được trang bị kiến thức về pháp luật, khi có kiến thức sẽ biết cách “vùng lên”, không cam chịu trước sự áp bức, bạo lực.
Phiên tòa được xây dựng kịch bản vụ án liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích, hành hạ bạo lực ông bà, cha mẹ, vợ con, vi phạm quy định về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại “phiên tòa” xét xử tội cố ý gây thương tích, hành hạ bạo lực ông bà, cha mẹ, vợ con, gây hậu quả nghiêm trọng, kiểm sát viên đã phân tích, làm rõ hành vi của các bị cáo, chỉ ra hậu quả nghiêm trọng khi bị cáo thường xuyên đánh đập, gây tổn thương cơ thể 18% cho vợ mình.
Việc truyền thông, tư vấn pháp luật gắn với PTGĐ về phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo nên một chiến dịch truyền thông rộng rãi, lan tỏa về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Với hoạt động tuyên truyền thông qua “PTGĐ” đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng. Đồng thời tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân tích cực, trách nhiệm trong vận động người thân, con em trong gia đình thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Những PTGĐ do Hội LHPN các cấp tổ chức là hình thức tuyên truyền mới nhưng mang lại hiệu quả rất cao khi thu hút được rất nhiều hội viên tham gia. Những PTGĐ tái hiện đầy đủ quá trình phạm tội, nguyên nhân, hậu quả, sự trả giá trước pháp luật, tác động trực tiếp đến nhận thức của mỗi hội viên phụ nữ. Điều này sẽ răn đe, cảnh tỉnh cũng như giúp hội viên phụ nữ biết thêm về pháp luật để tự bảo vệ bản thân cũng như tránh xa những mối nguy hại từ việc thiếu hiểu biết pháp luật gây ra.
Những hiệu ứng lan tỏa rộng rãi từ những PTGĐ chính là thành công của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với hội viên phụ nữ, giúp nâng lên ý thức tự giác cao và tinh thần thượng tôn pháp luật.