Bệnh nhân tập PHCN tại Nhà trung chuyển |
Vừa trị liệu, vừa nâng đỡ tinh thần
Tại Nhà trung chuyển của Khoa PHCN, ông Phan C., 53 tuổi ở thị trấn Phú Đa tham gia điều trị suốt 2 năm qua. Từng là một thợ xây lành nghề nhưng sau một đợt tai biến, ông phải nghỉ việc hẳn. Sau tai biến, ông bị liệt nửa người bên trái, mọi thứ trở nên khó khăn. Vào đây chữa bệnh, tập tành mọi thứ từ mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, nấu ăn… Điều này chẳng khác gì những công việc đời thường, nhưng với ông C. giờ là những bài tập phải thực hành hàng ngày để làm chủ bản thân trong sinh hoạt. “Nhờ các cô, các bác, sức khỏe tui đang tiến triển dần dần, giờ tui có thể vận động sinh hoạt cơ bản, nấu ăn tại nhà trung chuyển có thể ra thăm vườn rau tưới cây, làm cỏ mỗi ngày”, ông C. vừa tập mở nút chai vừa khoe.
Tương tự, ông Lê D. (76 tuổi) mới được chuyển vào điều trị 10 ngày. Qua một đợt đột quỵ, con cháu phải trợ giúp ông trong từng hoạt động nhỏ hàng ngày. Giờ đây, ông đã phục hồi nhanh chóng, có thể tự mình mặc áo quần, đi lui tới, mở xem ti vi. “Tui rất sợ trở thành gánh nặng, làm phiền người nhà nên sống với tâm lý mặc cảm. Vào đây có nhiều người cùng cảnh ngộ, động viên, chia sẻ và các y bác sĩ luyện tập hàng ngày giờ tinh thần phấn chấn hơn nhiều. Trông mau hồi phục để sớm về nhà sum vầy với con cháu”, ông D. nói.
Nhà trung chuyển của TTYT Phú Vang hoạt động cuối năm 2019. Đây là công trình do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thuộc dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật”, giúp người bệnh thực hành các chức năng sinh hoạt trước khi trở về hòa nhập với cộng đồng. Tất cả các trang thiết bị, vật dụng tại Nhà trung chuyển được thiết kế theo các tiêu chuẩn phù hợp với người khuyết tật. Mô hình này là bước chuẩn bị, để bệnh nhân luyện tập PHCN mỗi ngày.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà trung chuyển giúp nhiều người bệnh điều trị hiệu quả. Có trường hợp tai biến không thể cử động tay chân, sau 6 tháng trị liệu, luyện tập đã trở lại công việc cũ tuy tốc độ có chậm hơn so với trước. Hay như anh Huỳnh T. một thanh niên bị dị dạng mạch máu não, gắn bó với khoa PHCN 3 năm. Anh đã điều trị qua giai đoạn cấp tính, trở về với sinh hoạt đời thường.
Năm 2023, tranh thủ các nguồn xã hội hóa, TTYT Phú Vang khánh thành khu vườn hoạt động trị liệu - mô hình phục hồi chức năng bên cạnh Nhà trung chuyển, phòng ngôn ngữ trị liệu. Vườn được Đoàn Thanh niên đơn vị thiết lập, gầy dựng và bàn giao lại cho khoa PHCN. Mỗi tuần hai buổi, các BN của Khoa PHCN sẽ tham gia trồng trọt, chăm sóc, tưới tắm rau củ. Vườn rau đang được bổ sung các giống mới liên tục nhằm làm phong phú loại cây và thay đổi theo mùa. Trong thời gian nằm điều trị dài ngày, khu vườn tạo sự gần gũi và không gian thoải mái cho BN. Nơi này còn là điểm hẹn ngắm cảnh, uống trà, trò chuyện của các BN khoa phòng khác đang điều trị.
Người bệnh hưởng lợi, cộng đồng được nâng cao nhận thức
Các BN tại Khoa PHCN TTYT Phú Vang hầu hết từng bị đột quỵ, chấn thương sọ não, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… Được đầu tư trang thiết bị cơ bản cho hoạt động PHCN, bình quân mỗi ngày, Khoa tiếp nhận 50 BN điều trị, trong đó 30 BN nội trú. Phần lớn người bệnh ở vùng nông thôn nên việc điều trị, chăm sóc tại địa phương vừa giảm bớt tình trạng chuyển tuyến, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
BSCKI Đinh Như Trâm, Phó Trưởng khoa PHCN TTYT Phú Vang cho hay: “Địa bàn có nhiều dự án hỗ trợ, quan tâm thúc đẩy việc truyền thông, xác định người khuyết tật tại cộng đồng nhằm giúp họ cải thiện trong vận động. Chúng tôi có đội ngũ cộng tác viên và thư ký chương trình PHCN nhằm sàng lọc, tư vấn cho họ chuyển đến điều trị kịp thời. Khoa cũng chỉ đạo nhân viên hướng dẫn BN tập luyện tại nhà để người bệnh có thể chủ động rèn luyện khi trở về với gia đình. Việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng sẽ góp phần phát hiện sớm bệnh nhân, giúp họ giảm gánh nặng điều trị”.
Kể từ khi ra đời, 5 năm qua, số lượng BN đến điều trị PHCN ngày càng đông, trong đó có những người dân ở Hương Thủy, Phú Lộc. BSCKI Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc TTYT Phú Vang thông tin: “Đơn vị tổ chức nhiều đoàn khám về tận hộ gia đình để xem trường hợp nào cần PHCN thì giới thiệu đến điều trị tại TTYT. Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ thường có các chương trình khám cho toàn bộ người khuyết tật toàn huyện, kết hợp tuyên truyền cho người dân. Theo chủ trương, công tác PHCN được triển khai về tận cơ sở. Đến nay, có 3 trạm y tế đã triển khai công tác PHCN với trang thiết bị hỗ trợ luyện tập cho người dân tại địa phương. Tiến tới, TTYT huyện sẽ cố gắng bao phủ hoạt động PHCN ở 14 trạm y tế. Tuy nhiên vẫn còn vướng về thanh toán bảo hiểm y tế, chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ”.
Trong chuyến làm việc tại TTYT Phú Vang, tôi ấn tượng với chia sẻ một BN lớn tuổi. Bà tâm sự vì vấn đề sức khỏe mà Khoa PHCN trở thành mái nhà thứ hai. “Ở đây có nhiều người thân thuộc như gia đình nên nhiều khi về nhà lại thấy nhớ. Ấn tượng của bệnh nhân lớn tuổi nói trên là minh chứng cho việc điều trị thành công về mặt bệnh lý cũng như tâm lý. Đó cũng là cách để nâng cao “thương hiệu” trong lĩnh vực PHCN, một trong những lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh, góp phần hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.