Hoạt động điều dưỡng góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại các bệnh viện |
Nhiều thay đổi về lượng và chất
Chiếm hơn một nửa tổng số công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế Việt Nam (150 ngàn điều dưỡng, nữ hộ sinh), điều dưỡng là lực lượng đông đảo, ảnh hưởng không chỉ chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn cả hệ thống khám bệnh chữa bệnh. Theo số liệu thống kê mới nhất, gần 50% ĐD có trình độ đại học, riêng năm 2022 có gần 600 ĐD tốt nghiệp thạc sĩ/CKI. Cả nước có gần 100 tiến sĩ ĐD, nguồn nhân lực đang tăng và đã xuất hiện đội ngũ trí thức về điều dưỡng.
GS.TS. BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế chia sẻ: “Hoạt động điều dưỡng nói chung và chất lượng chăm sóc người bệnh đã có những thay đổi đáng ghi nhận trong những năm gần đây. Điều dưỡng đã áp dụng thực hành dựa vào bằng chứng (Evidence-Based Practice), công nghệ 4.0 (Big data, AI) chăm sóc người bệnh và đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đã có nhiều đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến trong hoạt động chăm sóc người bệnh được thực hiện và áp dụng”.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua năm 2023 giúp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế. Trong những thành tích chung của ngành Y tế, có sự đóng góp rất to lớn của đội ngũ điều dưỡng-hộ sinh là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của ngành y tế về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, cũng như đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Tại BVTW Huế, nhóm các điều dưỡng Nguyễn Thành Trung, Trần Thị Yến Linh, Nguyễn Thị Hồng đã tham gia và nghiên cứu hiệu quả chăm sóc tinh thần người bệnh bằng phương pháp Kaigo (Nhật Bản) ở người bệnh trên 60 tuổi điều trị tại Khoa Nội tổng hợp. Qua khảo sát chỉ số hạnh phúc WHO-5, tổ chức giáo dục sức khỏe và sinh hoạt giải trí, phối hợp với người nhà bệnh nhân đáp ứng nhu cầu về hoạt động tinh thần… Kết quả cho thấy, phương pháp này mang lại lợi ích y tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi trong quá trình điều trị, giúp họ cảm thấy được tôn trọng và quan tâm.
ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam (ĐDVN) cho rằng, tại hội nghị có nhiều đề tài nghiên cứu cập nhật những tiến bộ của ngành ĐD trong nước và quốc tế. Những bài báo cáo khoa học chứng tỏ được năng lực chuyên môn cùng với sự tâm huyết, đam mê nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh. Có những vấn đề thường được các bác sĩ thực hiện thì nay báo cáo viên ĐD đã tự tin thực hiện như đánh giá chất lượng cuộc sống bệnh nhân sau ghép tạng, nghiên cứu đánh giá hệ thống, can thiệp điều dưỡng lâm sàng. Đặc biệt, có cả nghề “Nhân viên trợ giúp chăm sóc – caregiver”, một nghề còn mang tính tự phát ở Việt Nam song khá thịnh hành trên thế giới.
Làm gì trước những thách thức?
Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao do sự gia tăng dân số và tuổi thọ trung bình (cả hai giới đạt 73,6 tuổi). Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ y tế đòi hỏi điều dưỡng viên phải liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân lực ĐD ở một số khu vực và sự phân bố không đồng đều cũng đặt ra nhiều khó khăn. Để đáp ứng những thách thức này, xu hướng mới trong đào tạo, thực hành ĐD đang được chú trọng và phát triển.
Chăm sóc bệnh nhân ghép tế bào gốc tự thân tại Trung tâm Nhi, BVTW Huế |
Đơn cử như tại BVTW Huế, nơi có 1.800 điều dưỡng ở 3 cơ sở. Làm việc ở BV đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt, người ĐD phải chăm sóc nhiều bệnh nhân (trong đó, có tỷ lệ lớn bệnh nhân nặng), sự phát triển không ngừng của các dịch vụ kỹ thuật cao: ghép tế bào gốc, ghép tạng, ung thư, đột quỵ, hồi sức tích cực… Lãnh đạo Khoa Điều dưỡng, BVTW Huế cho rằng, ngoài chuyên môn tốt, làm việc chuyên nghiệp, cần sự tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh. Bởi vậy, khi bàn luận về nghề này, các chuyên gia ví von đây là nghề làm việc bằng cả trái tim.
GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế cho hay, trong định hướng phát triển của đơn vị, đòi hỏi người diều dưỡng phải thích ứng với xu hướng mới của thời đại, năng động hơn, sáng tạo hơn, chuyên nghiệp hơn để cung cấp chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh ngang tầm khu vực và thế giới.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng y thuật và trau dồi y đức, hướng tới sự hài lòng hơn nữa của người bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn lưu ý: “Với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, đòi hỏi người ĐD không chỉ chăm sóc về mặt thể chất mà còn phải quan tâm đến tâm lý, xã hội và tinh thần của bệnh nhân, giúp họ hồi phục nhanh hơn, có cuộc sống tốt hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và thực hành điều dưỡng là xu thế tất yếu, nếu biết tận dụng tốt công nghệ sẽ giảm bớt gánh nặng hành chính, giảm sai sót, nâng cao hiệu quả công việc”.
“Không chỉ tập trung chuyên môn, cần tăng cường vai trò của ĐD trong quản lý và lãnh đạo y tế, tham gia vào quá trình lập kế hoạch, đánh giá và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Có như vậy, vị thế người ĐD trong xã hội mới được nâng cao”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.