TS. Nguyễn Tấn Bình chia sẻ tại hội thảo chuyên đề |
Đây là một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp đề xuất triển khai theo Chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp năm 2024. Chuyên đề này do TS. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp Leadman, chuyên gia phân tích tài chính và thẩm định dự án chia sẻ.
TS. Nguyễn Tấn Bình đã giới thiệu các nội dung về hoạt động doanh nghiệp và tổng quát các báo cáo tài chính; chi tiết báo cáo tài chính và một số nguyên tắc kế toán: bảng cân đối, báo cáo thu nhập; hệ thống kế toán. Đồng thời tập trung chia sẻ cụ thể về báo cáo dòng tiền. Cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng mà bảng cân đối và báo cáo thu nhập không thể hiện, giúp chủ doanh nghiệp biết được trong kỳ kinh doanh, doanh nghiệp đã chi mua sắm (thu bán thanh lý) bao nhiêu đối với tài sản cố định, dòng chảy của dòng tiền từ hoạt động tài trợ. Từ đây, giải thích các câu hỏi của chủ doanh nghiệp tại sao có lãi mà không có tiền, và ngược lại; sự thay đổi (tăng, giảm) trong tồn quỹ tiền mặt giữa cuối kỳ và đầu kỳ.
Bà Võ Thị Quế Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, báo cáo tài chính là một công cụ quan trọng để đánh giá sức khỏe tài chính và hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Vì vậy, đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp không những có vai trò quan trọng với các đối tượng sử dụng và quản lý thông tin kế toán, mà đối với chủ doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cũng rất quan trọng.
Thông qua báo cáo tài chính, chủ doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của công ty, đồng thời phân biệt các yếu tố mạnh và yếu để đưa ra các biện pháp điều chỉnh và tối ưu hóa quản lý tài chính. Đối với cơ quan chức năng, nhất là trong quá trình thẩm định hồ sơ năng lực tài chính của nhà đầu tư, việc đọc và hiểu báo cáo tài chính của doanh nghiệp giúp đánh giá đúng năng lực tài chính của nhà đầu tư trong quá trình đề xuất dự án đầu tư; đảm bảo việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực theo quy định của pháp luật hiện nay.