Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy BĐBP tỉnh |
Riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, ngay sau khi có hiệu lực pháp luật, Luật Biên phòng Việt Nam đã được đưa vào cuộc sống bằng những phương pháp “mềm hóa”, dễ “ngấm” vào ý thức người dân, chuyển biến thành hành động, góp phần bảo vệ biên giới. Đó là chia sẻ của Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh.
Thưa Đại tá, ông có thể chia sẻ về tính ưu việt của Luật Biên phòng Việt Nam so với pháp lệnh BĐBP trước đây? Luật Biên phòng Việt Nam ra đời có ý nghĩa, vai trò như thế nào đối với lực lượng BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới?
Pháp lệnh BĐBP được ban hành từ năm 1997, nên về hình thức, bố cục đã lạc hậu hơn so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan sau này. Một số quy định trong Pháp lệnh chưa sát với thực tiễn công tác của BĐBP, chưa mang tính cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa tạo ra cơ sở và hành lang pháp lý để BĐBP căn cứ vào đó, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới.
Dọc đường tuần tra biên giới |
Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính cấp thiết và đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó đặc biệt là Nghị quyết số 33 ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, kế thừa toàn bộ những mặt ưu điểm và khắc phục, hoàn chỉnh những mặt tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh BĐBP nêu trên. Qua đó, tăng cường sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, xác định vai trò nòng cốt chuyên trách của lực lượng BĐBP trong thực thi pháp luật ở khu vực biên giới.
Xin Đại tá cho biết, BĐBP tỉnh đã có những giải pháp gì để đưa Luật Biên phòng Việt Nam “ngấm” vào đời sống, nâng cao nhận thức, ý thức của Nhân dân, từ đó chuyển biến thành hành động góp phần bảo vệ biên giới?
Thực hiện kế hoạch của Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án 3863 ngày 5/11/2021 của Bộ Quốc phòng. Trong đó, xác định mục tiêu là tổ chức tập huấn chuyên sâu, tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết đến toàn thể các cơ quan, tổ chức, địa phương và Nhân dân trong phạm vi toàn tỉnh, lấy Nhân dân khu vực biên giới làm trọng tâm, trọng điểm để phát huy quyền và nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Pháp luật nói chung, Luật Biên phòng Việt Nam nói riêng là những nội dung khô khan. Hiểu được điều này, các đơn vị đã tích cực, đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền với tiêu chí “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ”. Chúng tôi triển khai nhiều cách làm hay, hiệu quả, trong đó có mô hình “tiếng loa biên phòng”. Người dân đã quen thuộc với hình ảnh người lính quân hàm xanh chở loa sau xe máy, đi từng ngóc ngách thôn bản để tuyên truyền.
Kiểm tra công tác tuần tra đường biên, cột mốc |
Hàng tuần, các đơn vị tổ chức biên tập Luật Biên phòng Việt Nam thành các bản tin pháp luật, in thành tờ rơi có hình ảnh minh họa phong phú để phát cho người dân; thực hiện tốt mô hình “mỗi ngày một điều luật”, “mỗi tuần 1 câu hỏi, 1 đáp án”. Ở các địa bàn biên giới đất liền, các đồn biên phòng đã phối hợp với cán bộ văn hóa của xã, thu âm Luật Biên phòng Việt Nam bằng tiếng Kinh và tiếng Tà Ôi, Pa Cô để phát trên loa phát thanh của xã. Các đơn vị thường xuyên cập nhật, bổ sung tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam vào tủ sách pháp luật đã tặng cho các địa phương. Xây dựng các nội dung tuyên truyền trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo bằng nhiều hình ảnh trực quan, sinh động để người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền lưu động, các đồn biên phòng còn chủ động phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức mô hình “Biên giới với học đường”. Luật Biên phòng Việt Nam còn được “mềm hóa” thông qua các hoạt động hội diễn văn nghệ quần chúng, các hoạt động “Ngày hội Biên phòng toàn dân” và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực, tham gia đông đảo của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, cán bộ, Nhân dân, học sinh đối với cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức trên toàn quốc…, đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân trên địa bàn.
Ông có thể nêu những kết quả nổi trội của BĐBP tỉnh trong nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới sau khi Luật Biên phòng Việt Nam đã được đưa vào cuộc sống như nêu trên?
Một trong những kết quả mang tính “gốc rễ”, đó là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân được nâng cao, dẫn đến các vụ việc vi phạm pháp luật giảm rõ rệt, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Với vai trò nòng cốt, chuyên trách, chủ trì ở khu vực biên giới, cửa khẩu, lực lượng BĐBP tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thực thi đúng pháp luật tại địa bàn khu vực biên giới; triển khai các biện pháp công tác biên phòng, nắm chắc tình hình, đánh giá, dự báo đúng, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh BĐBP về chủ trương, đối sách giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biên giới quốc gia; kịp thời đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và hành vi vi phạm khác, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn khu vực biên giới.
Bên cạnh chủ trì làm tốt công tác đối ngoại biên phòng; phối hợp xử lý, giải quyết tốt các vụ việc, vấn đề nảy sinh trên biên giới, BĐBP tỉnh ngày càng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển; bảo vệ tính nguyên trạng của hệ thống đường biên, mốc quốc giới; kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện thủ tục biên phòng điện tử theo cơ chế một cửa quốc gia.
Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm đầu tư xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.
Xin cảm ơn Đại tá!