Du khách đi bộ dưới cái nắng gay gắt ở London, Anh. Ảnh: Reuters/Nhandan |
Những trường hợp tử vong và mất tích do nhiệt độ cao gần đây ở Hy Lạp có khả năng thúc đẩy thêm sự dịch chuyển về các nước Bắc Âu, khi các sự cố về nhiệt độ cực cao ảnh hưởng đến quyết định chọn điểm đến du lịch.
Thực tế, mức độ mà ngành du lịch cũng như khách du lịch có thể thích ứng với làn sóng tác động của khí hậu ngày càng gia tăng đang trở thành một vấn đề lớn hơn đối với các quốc gia ở Nam Âu, khi nhiều quốc gia nơi đây dựa vào du lịch để thúc đẩy nền kinh tế.
Theo CNN, nhiệt độ cao đã khiến cuộc khủng hoảng khí hậu trở thành tâm điểm chú ý đối với một số du khách châu Âu.
Giới chức Hy Lạp đã nhiều lần cảnh báo du khách đừng coi thường cái nóng gay gắt, đặc biệt là vào giữa ngày. Đi bộ kéo dài trong nhiệt độ cao là nguyên nhân phổ biến liên quan đến những ca tử vong gần đây ở nước này.
Đáng lưu ý, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sự lựa chọn điểm đến sẽ có tác động nghiêm trọng đối với một số quốc gia phụ thuộc vào thu nhập từ khách du lịch.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, tại Hy Lạp, du lịch đóng góp gần 38 tỷ euro - khoảng 20% toàn bộ nền kinh tế của đất nước.
Ở Italy, nơi cảnh báo nắng nóng cấp độ ba - cấp cảnh báo cao nhất - gần đây đã được ban hành cho các thành phố Rome, Perugia và Palermo, du lịch chiếm 10% nền kinh tế đất nước, và 1/8 số việc làm ở nước này có liên quan đến ngành du lịch.
Theo Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC), sau đợt nắng nóng mùa hè năm 2023 ở châu lục này khiến hàng nghìn người phải chạy trốn khỏi các đám cháy rừng trên đảo Rhodes của Hy Lạp, mức độ lo ngại về biến đổi khí hậu của du khách châu Âu đã tăng 7%.
Theo ông Eduardo Santander, Giám đốc điều hành của ETC, “du khách ngày càng nhận thức được các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và tác động tiềm tàng của chúng đối với kỳ nghỉ của họ”. Ông cũng cho rằng trong tương lai, khủng hoảng khí hậu có thể khiến nhiều du khách đến thăm Nam Âu hơn vào mùa xuân và cuối mùa thu, thay vì những tháng hè nắng nóng.
Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ kỷ lục vào mùa hè năm ngoái trên toàn cầu là do sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu do con người gây ra và sự quay trở lại của hiện tượng tự nhiên El Nino, khiến nhiệt độ toàn cầu ấm hơn. Nhưng ngay cả khi tác động của El Nino giảm đi, các chuyên gia cho rằng xu hướng nóng lên toàn cầu về lâu dài sẽ tiếp tục.
Trong bối cảnh đó, bà Rebecca Carter, Giám đốc thích ứng và phục hồi khí hậu tại Viện Tài nguyên Thế giới cho rằng, ngành du lịch cần cân nhắc việc thích ứng với khí hậu.