Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng doanh nghiệp |
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, đến cuối tháng 5/2024, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thị xã đạt 6.210 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,7% so với tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh. Dư nợ tín dụng trên địa bàn thị xã đến cuối tháng 5/2024 đạt 7.977 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,3% so với tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp đạt 3.277 tỷ đồng, chiếm 41% tổng dư nợ và dư nợ cho vay đối với hộ kinh doanh, cá thể đạt 4.700 tỷ đồng, chiếm 59 % tổng dư nợ.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng trên địa bàn ưu tiên các nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời tăng cường giao lưu, đối thoại nắm bắt nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã triển khai các hoạt động gặp gỡ, làm việc trực tiếp với khách hàng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận tín dụng.
Một số ngân hàng còn triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi riêng cho từng đối tượng. Trong đó, Agribank Hương Thủy triển khai chương trình miễn, giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19; hỗ trợ giảm lãi suất cho 527 khách hàng có dư nợ hiện hữu trong năm 2023, 2024 với tổng dư nợ được giảm là 149,9 tỷ đồng. Vietcombank Hương Thủy thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các đối tượng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 1,5-2%/năm. Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 4,5%/năm. Vietinbank Nam Thừa Thiên Huế cũng triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi từ 5,7%/năm đối với vay vốn ngắn hạn và từ 6,4%/năm đối với trung dài hạn.
Doanh nghiệp nêu những thuận lợi và khó khăn trong tiếp cận tín dụng |
Tại hội nghị này, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã phổ biến, quán triệt những điểm mới tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Tăng khả năng hấp thụ tín dụng
Các đại biểu tham dự hội nghị đã chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại trong tăng trưởng tín dụng tại địa bàn. Trong đó, phần đông ý kiến cho rằng, quy mô huy động và cho vay của các ngân hàng trên địa bàn vẫn còn khiêm tốn so với quy mô toàn tỉnh và có xu hướng giảm trong năm 2024. Điều này cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trên địa bàn thị xã vẫn còn yếu.
Bên cạnh đó ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới, trong nước, đa số các doanh nghiệp, người dân vẫn còn gặp khó khăn, thu nhập giảm sút nên việc phát triển huy động và xử lý nợ còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp trên địa bàn phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn cao nhưng năng lực tài chính, năng lực quản trị thấp, không chủ động minh bạch thông tin và không tích lũy tài sản trong quá trình hoạt động dẫn đến không đáp ứng các điều kiện theo quy định để tiếp cận các gói tín dụng.
Ông Ngô Hữu Quý – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp chia sẻ, thực tế doanh nghiệp nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các ngân hàng, nhất là tiếp cận với các chương trình lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang hoạt động và nghiên cứu đầu tư trên địa bàn chính là các quy trình thủ tục thực hiện các dự án đầu tư còn kéo dài. Điều này khiến doanh nghiệp bỏ lỡ các cơ hội đầu tư. Vì thế, doanh nghiệp mong muốn nhận được nhiều hơn sự đồng hành từ chính quyền các cấp trong hỗ trợ thực hiện triển khai các dự án. Có như thế doanh nghiệp mới có thể phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh của thị xã, tỉnh cũng như dễ dàng hơn trong tiếp cận tín dụng.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp |
Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa đại diện các ngân hàng và doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn với tổng quy mô vốn gần 200 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho rằng, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, chỉ khi doanh nghiệp phát triển, ngân hàng mới phát triển và ngược lại.
Vì thế, Giám đốc NHNN tỉnh yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn ưu tiên vốn tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; triển khai có hiệu quả, toàn diện, đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Về phía khách hàng cũng cần tìm hiểu các quy định của pháp luật về tiền tệ, tín dụng ngân hàng, ngoại hối. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, chiến lược phát triển, minh bạch thông tin để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Làm được như vậy, ngân hàng và doanh nghiệp mới có thể đồng hành, hỗ trợ “cùng tiến” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, đề nghị UBND thị xã Hương Thủy; các sở, ngành, hiệp hội/hội doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các ngân hàng trong triển khai, truyền thông các chính sách tín dụng đến với người dân và doanh nghiệp.