Bánh tráng “nhà làm” |
“Hàng quê” hút hàng
Hơn 1 năm nay, chị Trần Thị Ngọc (P. Kim Long, TP. Huế) thường xuyên được cha mẹ ở Phong Chương (Phong Điền) gửi đồ “tiếp tế” đều đặn hàng tuần, mỗi lần 2 thùng xốp gồm các thực phẩm “cây nhà, lá vườn”, từ mớ rau, quả bí, bầu đến con gà, vịt. Trong vườn nhà có thứ cây trái nào trồng được, bố mẹ chị Ngọc đều dành mang lên cung cấp cho con gái. Lâu lâu lại kèm bao gạo gọi “gạo ruộng” nhà trồng…
Nhà gần chợ Kim Long, nơi đây hầu như không thiếu thứ gì, nhưng chị Ngọc vẫn thích những loại “quà quê” của bố mẹ gửi vào. Có lúc chị muốn ăn khoai lang, rau ngót, đọt bí hoặc cá rô, cá lóc đồng thì mẹ chị đi lùng mua để gửi cho con, dù giá có khi đắt hơn mua ở chợ.
Chị Ngọc chia sẻ: “Thấy báo chí nói nhiều về việc thực phẩm nhiễm hóa chất nên tôi ăn gì cũng sợ. Thực phẩm là thứ nạp vào người nên phải lựa chọn kỹ lưỡng, tốt nhất là mua các loại thực phẩm nuôi, trồng, đánh bắt tự nhiên. Những loại thực phẩm này vừa sạch, vừa ngon, đặc biệt là có hương vị quê, dù có đắt nhưng tôi vẫn thích”.
Còn gia đình anh Nguyễn Lộc (An Cựu, TP. Huế) hiện nay lại sắm hẳn tủ đá để trữ đông thực phẩm. Mỗi lần anh Lộc về quê ở Vinh Hà, Phú Vang nhờ người nhà mua giúp chục ký thịt lợn, hay mấy ký cá trắm, mè, tôm… sản vật nhiều gia đình nuôi hoặc đánh bắt tự nhiên ở sông đầm. Hàng này được làm rửa sạch, đóng bịch chở lên nhà giữ lạnh, cấp đông để ăn dần…
Anh Lộc cho biết, mới đây cha mẹ vợ anh ở Phú Gia, Phú Vang thuê thêm khu vườn cạnh nhà để chăn nuôi, trồng trọt. Khu vườn này chính là nguồn cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình anh và nhiều người khác khi ông bà trồng rau màu bón phân hữu cơ và nuôi gà vịt cho ăn lúa và các sản phẩm thừa của gia đình. Ngoài ra, gia đình anh Lộc còn có “mối” cá, tôm… người quen ở Thuận An gửi khi có nhu cầu.
Trào lưu “săn” thực phẩm quê, thực phẩm sạch, “nhà làm” đã thay đổi thói quen mua sắm của không ít người nội trợ. Hầu hết họ đã suy nghĩ, cứ thực phẩm quê là sạch, là đảm bảo, ăn đồ quê là yên tâm…
Chị Trần Thị Hoàng, giáo viên ở TP. Huế chia sẻ, chị thường mua thực phẩm ở siêu thị Go! Huế, Copmart Huế… nhưng chừng một năm trở lại đây, chị chuyển sang “săn” hàng quê mỗi khi ra đường gặp những người bán các sản vật bên vỉa hè mà giới thiệu từ quê lên hoặc do “nhà làm”. Chị Hoàng nói, nhìn rổ trứng, mấy nải chuối, quả mít và vài quả đu đủ dù nhỏ, hình dáng đôi khi không được bắt mắt lắm nhưng tươi ngon là ưng ý. Giá cả chưa nói, nhưng cảm giác rất yên tâm hơn khi ra mua ở các chợ phố…
Mua bằng… lòng tin
Hiện nay, tại các siêu thị, chợ hay ở những điểm bán tự phát có nhiều loại thực phẩm được người bán bảo đảm là hàng sạch, hàng tự nhiên, hàng nhà làm… Với suy nghĩ của nhiều người, ăn thực phẩm quê là yên tâm về sự an toàn và chất lượng nên đã bỏ công săn tìm không so tính giá cả.
Thực tế, trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan thì việc lựa chọn nguồn thực phẩm quê được nuôi trồng tự nhiên là “ưu tiên” của nhiều người nội trợ. Nhưng để kiểm chứng những thực phẩm này thực sự có lành, sạch hay không thì chỉ người bán mới biết.
Người bạn tôi công tác tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) chia sẻ, lựa chọn mua thực phẩm ở quê đang là xu hướng của nhiều gia đình bởi có một số ưu điểm, như thông qua các mối quan hệ thân quen, người tiêu dùng biết được nguồn gốc, xuất xứ cũng như quá trình nuôi trồng sản phẩm và lựa chọn được thực phẩm tươi ngon, giảm bớt nỗi lo thực phẩm “bẩn”. Tuy nhiên hiện nay, những trường hợp mua qua người thân thì đáng tin cậy, còn mua qua người chuyên thu gom, kinh doanh thực phẩm quê chủ yếu dựa vào lòng tin.
Do thực phẩm quê khá hút hàng, giá cao có thể vô tình tạo ra tình trạng người bán đi thu mua hàng trôi nổi giả làm hàng quê và bán giá cao. Mặt khác, khi mua thực phẩm quê thường vận chuyển từ nông thôn, đường xa lên, nên khi mua để bõ công vận chuyển, nhiều người thường đặt mua với số lượng nhiều. Khi ấy, thực phẩm dù là hàng sạch nhưng để lâu mất độ tươi ngon nên sẽ bị mất chất, độ dinh dưỡng giảm.
Nhằm tránh lãng phí, người mua nên cùng một vài người đặt hàng và chia nhau sử dụng để luôn được ăn thực phẩm tươi mới, tránh mua quá nhiều, để quá lâu dẫn đến thực phẩm bị hư hỏng phải đổ bỏ, gây lãng phí…