Những hồ sen thơm ngát khi về làng Hương Cần. Ảnh: MC |
Nhắc lại chuyện cũ bởi giai đoạn 2023 - 2025, 56 tỉnh, thành phải sắp xếp địa giới hành chính một số huyện, xã gây bức xúc trong dư luận vì tên gọi đơn vị mới sau sáp nhập hay tên làng, tên đất bỗng dưng biến mất! Tách nhập, điều chỉnh là chuyện thường tình song việc đặt tên sau điều chỉnh lại hết sức nhạy cảm, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về vấn đề này, đòi hỏi phải nghiên cứu thật kỹ lịch sử - văn hóa, tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học, tránh nóng vội, chủ quan, duy ý chí.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Rất may, Hương Trà không có địa phương nào phải điều chỉnh đợt này, chỉ lập phường Hương Toàn trên cơ sở nguyên trạng địa giới hành chính xã Hương Toàn.
Làng Hương Cần ra đời sau cuộc Nam chinh bình Chiêm tại Đồ Bàn thắng lợi của vua Lê Thánh Tông năm 1470 cùng nhiều làng xã khác theo lệnh của nhà vua nhằm bổ sung nhân lực cho xứ Thuận Quảng. Di dân đã “gánh cả tên làng” - làng Hương Cần - từ tổng Hoàng Mai, phủ Diễn Châu, xứ Nghệ An xa ngái vào đây, tồn tại đến giờ. Tổng Hương Cần có mặt trong Đồng Khánh địa dư chí soạn năm 1887 với 9 xã, giáp, là một trong 6 tổng của huyện Hương Trà. Thiển nghĩ, vì sao không nhân cơ hội này, lấy lại tên Hương Cần có lịch sử trên 500 năm đặt tên cho phường mới; cũng như lấy tên Long Hồ, tên tổng trước đây, đặt cho phường sau khi nhập xã Hương Thọ và phường Hương Hồ; lấy tên Dương Nỗ, là tên tổng xưa, đặt cho phường sau khi nhập các xã Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh?
Tôi không rõ kết quả lấy ý kiến cử tri ở xã Hương Toàn ra sao, nhưng tin chắc tên phường Hương Toàn sẽ được mọi người đồng tình, đơn thuần là “thay tên đổi họ”, chẳng nhập với đơn vị nào mà lựa chọn tên gì, rồi cứ thế, cấp trên ghi nhận và cấp có thẩm quyền quyết định công nhận! Mong sao, khi đã thành phường, ở đây có một con đường mang tên Hương Cần chạy suốt địa bàn, khắc ghi địa danh từng đi vào thơ ca của các bậc tiền nhân. Không lẽ Hương Cần chỉ còn trong ký ức, hoài niệm?
Đối với người Việt, tên làng là một cái gì đó thiêng liêng, máu thịt, “như chiếc rễ ăn vào đất sâu”. Nhắc đến tên làng, ta thấy hiển hiện trước mắt hình bóng quê nhà với mái tranh, cánh đồng, lũy tre xanh, cánh cò bay lả; nó không những có chức năng định danh mà còn có sức gợi nhớ, gợi cảm mạnh mẽ. Bởi thế, một số người làng tôi vào Phú Lộc làm việc, lấy vợ lập nhà đã lấy tên làng mình đặt cho vùng đất mới - ấp La Chử hạ - thuộc tổng Lương Điền, được Đồng Khánh địa dư chí (1887) ghi nhận, dù làng chỉ cách nơi này chừng 40 cây số! Và một cư dân của ấp trở lại cố hương thi cử tại trường thi La Chử năm 1884, đỗ thứ 9, đỗ Phó bảng năm 1892 - ông Nguyễn Đĩnh.