Một góc thủ đô Oslo (Na Uy). Ảnh: AFP/TTXVN |
Cô Cati Padilla làm công chức tại quần đảo Canary đã đến Na Uy cùng bạn bè để nghỉ hè. Cô lý giải việc rời quê hương vốn là địa điểm du lịch nổi tiếng và đến Na Uy xa xôi: “Để trốn cái nóng”.
Theo thống kê chính thức, vào năm 2023, số lượt khách nước ngoài lưu trú qua đêm đã tăng 22% ở Na Uy và 11% tại Thụy Điển, chủ yếu là do việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến COVID-19 vào năm 2022 và sự sụt giảm của đồng nội tệ các nước này.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát ở Đức dành cho tổ chức du lịch Visit Thụy Điển cho kết quả cứ năm người thì có hai người muốn thay đổi thói quen du lịch do nắng nóng ở Nam Âu. Họ sẽ chọn mùa du lịch khác hoặc những điểm đến mát mẻ hơn.
Bà Susanne Andersson, người đứng đầu Visit Thụy Điển cho biết: “Coolcation không chỉ liên quan đến thời tiết. Đó là du lịch đến những nơi có khí hậu mát mẻ hơn nhưng cũng không quá đông người”.
Đối với một số người, những bãi biển Địa Trung Hải chen chúc và các đợt nắng nóng gây ra cháy rừng khiến họ lăn tăn. Ngày nay, nhiều người thích ngâm mình trong hồ hoặc vịnh hẹp ở Bắc Âu, hít thở không khí trong lành trong chuyến leo núi.
Theo các chuyên gia khí hậu của Liên hợp quốc, tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng cực độ cũng như thời gian kéo dài của chúng “gần như chắc chắn” đã tăng lên kể từ năm 1950 và sẽ tiếp tục lên dốc cùng với tình trạng nóng lên toàn cầu.
Đến năm 2050, một nửa dân số châu Âu có thể phải đối mặt với nguy cơ sốc nhiệt vào mùa hè, với số ca tử vong liên quan đến nhiệt có khả năng tăng gấp đôi hoặc gấp ba nếu nhiệt độ tăng từ 1,5 độ C đến 3 độ C.
Ông Gerard Grollier (74 tuổi) người Pháp khi đến thăm làng Geiranger ở phía Tây Na Uy chia sẻ rằng ông không muốn đến Tây Ban Nha và Hy Lạp mà chọn Na Uy bởi khí hậu dễ chịu. Con gái ông Grollier chia sẻ: “Chúng ta đã không bảo vệ hành tinh của mình và điều đó đang ảnh hưởng đến ngành du lịch”.