Người dân mua sắm lương thực ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Được biết, lạm phát của Eurozone đã giảm xuống còn 2,5% trong tháng 6 vừa qua, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn lo ngại trước việc giá dịch vụ tăng mạnh, phần nào bù đắp cho mức tăng trưởng yếu hơn về chi phí năng lượng và thực phẩm tươi sống.
Con số tính đến tháng 6 năm nay đánh dấu sự chậm lại so với mức 2,6% của một tháng trước đó, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế là 2,5% trong một cuộc thăm dò của Reuters. Sau khi tăng tốc vào tháng 5/2024, tốc độ tăng giá chậm lại ở 20 nền kinh tế thành viên sẽ mang lại một số tin vui cho ECB, vốn đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 6 vừa qua, với kỳ vọng lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% trong năm 2025.
Tuy nhiên, giới chức ECB vẫn tiếp tục lo ngại về tình trạng lạm phát dịch vụ cao kéo dài. Theo dữ liệu do cơ quan thống kê Eurostat công bố, mức tăng giá trong lĩnh vực này là 4,1% tính đến tháng 6, bằng mức cao nhất trong 7 tháng được ghi nhận trong tháng 5.
Mặc dù giá cả dịch vụ tăng trưởng tương đối mạnh ở mức 4,1%, làm dấy lên một số lo ngại rằng lạm phát có thể bị kẹt ở mức cao, Giám đốc IMF khu vực châu Âu nói với Reuters rằng: “Các số liệu, bao gồm cả số liệu lạm phát trong tháng 6 xác nhận triển vọng và chỉ ra giảm phát vẫn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi”.
“Điều đó có nghĩa là chúng tôi duy trì lời khuyên về chính sách đối với ECB, đó là họ nên tiếp tục giảm dần lãi suất chính sách”, ông Alfred Kammer nói thêm; đồng thời nhận định, triển vọng này giúp ECB có cơ hội cắt giảm lãi suất 3,75% xuống còn 2,5%, hoặc có “lập trường trung lập” vào quý III năm 2025.
Trong khi đó, các thị trường chỉ dự kiến lãi suất giảm xuống mức 2,75% trong quý III năm tới, nên dự báo của IMF đang ủng hộ một chu kỳ nới lỏng nhanh hơn so với dự báo của các nhà đầu tư hiện nay.
Giữa lúc các nhà hoạch định chính sách lo ngại tiền lương vẫn tăng quá nhanh, và sẽ gây áp lực lên giá cả, ông Alfred Kammer lập luận, thị trường lao động đã dịu lại và điều này sẽ giúp hạ nhiệt giá cả.
“Chúng tôi đang chứng kiến thị trường lao động nới lỏng. Chúng tôi ghi nhận điều này ở một số quốc gia, qua đó cho thấy lập trường hạn chế của chính sách tiền tệ đang có tác dụng làm giảm tổng nhu cầu”, Giám đốc IMF khu vực châu Âu lưu ý.