Nghệ sĩ Tùng Leo. Ảnh: Trung Dũng

Sau đêm nhạc “Đối thoại Trịnh Công Sơn – Tình yêu tình thấy” được tổ chức tại điện Kiến Trung bên trong Hoàng cung Huế, cảm xúc của anh như thế nào?

Thật lòng là lúc đó cảm xúc của tôi khá hỗn độn. Phần vì chương trình xảy ra quá nhiều “tai nạn” do cơn mưa quá lớn gây nên; phần tôi buồn do không thể làm đúng 100% ý tưởng kịch bản mình đã chắt chiu từng chút ở ban đầu; phần thấy có lỗi với đồng đội và khán giả. Nhưng hơn hết, đó là sự xúc động khi nhìn thấy khán giả phần đông vẫn ở lại đến cuối cùng. Họ lên sân khấu chia vui, khen ngợi và chụp ảnh. Tôi lâng lâng như một giấc mơ đẹp vừa thành hiện thực. Phải nói là cảm ơn Huế vô cùng, cảm ơn cả cơn mưa của Huế.

Với nhiều người, đó là đêm nhạc không thể nào quên. Còn với anh - vai trò tổng đạo diễn, điều mà anh thấy ấn tượng trong đêm nhạc này là gì?

Tôi đã rất xúc động. Trong ý tưởng, tôi muốn tạo ra cảm giác như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quay trở về Huế để “đối thoại” với mọi người. Và có lẽ cơn mưa ấy chính là cách mà anh đã tham gia “đối thoại” trong đêm đó. Hình ảnh để lại của chương trình đẹp một cách bất ngờ, lung linh, lộng lẫy, có một không hai.

 Các nghệ sĩ cùng ra sân khấu và hát vang ca khúc Nối vòng tay lớn dưới cơn mưa bên trong Hoàng cung Huế

Có lẽ chính nhờ cơn mưa mà tôi biết khán giả đến với chương trình tuyệt vời như thế nào. Nhờ cơn mưa, tôi cũng thấy đồng đội mình tuyệt vời ra sao. Và cũng nhờ cơn mưa, những khiếm khuyết của chương trình đều được bỏ qua. Đọng lại là những lời khen ngợi, ủng hộ và những khoảnh khắc tuyệt đẹp. Tôi thật sự hạnh phúc sau chương trình hôm ấy.

Có khi nào anh và cả e-kip tính phương án hoãn chương trình vì mưa? Và để đi đến quyết định biểu diễn, chắc hẳn cũng khó khăn nhiều lắm?

Tôi chưa bao giờ có ý hoãn chương trình. Làm trong nghề nhiều năm, tôi từng dẫn chương trình rất nhiều lần dưới mưa, nên khi làm đạo diễn, tôi vẫn nghĩ sẽ chờ ngớt mưa, chứ không có ý định hủy bỏ. Làm sao mà hủy bỏ được! Bao nhiêu chuẩn bị đã đành, làm sao có thể phụ lòng khán giả đang đội mưa chờ ở đó? Có nhiều khán giả đến từ những nơi khác, mua vé, rồi ngồi trong mưa lạnh suốt hơn 2 giờ đồng hồ. Mình nghĩ đến hoãn là mình mang tội với khán giả, với anh Sơn, với sự tin tưởng của gia đình anh Sơn, với chính bản thân mình.

Tuy nhiên, tôi không lường trước được là mưa kéo dài quá lâu và quá lớn. Sân khấu đọng nước rất nhiều và toàn bộ hệ thống điện tê liệt. Nếu đêm đó, ca sĩ hát nhép thì có thể mở máy ra rồi diễn theo. Nhưng khi hát thật, mà lại là những bản phối đặc biệt, những phần bố cục đặc biệt đi từ bài này sang bài kia theo đúng ý đồ về cuộc “đối thoại” âm nhạc, thì chúng tôi không thể dễ dàng mở máy lên để chấp nhận hát nhép. Bản thân tôi nghĩ, hát nhạc Trịnh và phục vụ khán giả thật mà không hát thật thì rất đáng tiếc và đáng buồn.

Tôi chờ lệnh của ban tổ chức. Và khi được lệnh “diễn trong mưa”, chúng tôi không chậm 1 giây nào. Toàn bộ phần thay đổi bất ngờ, tôi chỉnh lại ngay lập tức bằng lời dẫn – đó là là lợi thế của một tổng đạo diễn làm MC. Quyết định diễn dưới mưa của ban tổ chức là quyết định rất khó, vì điều tiên quyết cần đảm bảo là an toàn cho e-kip khi tiếp tục với điện dưới mưa. Thật may, tất cả chúng tôi đều đã vượt qua.

Và đọng lại trong anh ở đêm nhạc Trịnh là gì?

Đều khó quên nhất với tôi đó là lần đầu tiên tôi làm Tổng đạo diễn một chương trình lớn ở Huế, về nhạc Trịnh - người nhạc sĩ mà tôi vô cùng kính yêu, và cũng là lần đầu khi ý tưởng mới của tôi về cuộc “đối thoại” âm nhạc được chấp nhận và hỗ trợ hết mình. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tự lên ý tưởng, tự viết kịch bản, tham gia vào quá trình xây dựng màu sắc âm nhạc, chọn hình ảnh tư liệu, làm Tổng đạo diễn với riêng e-kip đạo diễn là còn 3 người: đạo diễn sân khấu, đạo diễn âm nhạc và đạo diễn thời trang. Tôi cũng tự dẫn chương trình đêm đó.

Từ các anh chị trong ban tổ chức, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến các đồng đội ở từng vị trí, từng bộ phận đều ủng hộ và giúp đỡ cho mọi quyết định của tôi vào thời điểm đó. Phải nói sự đồng lòng cũng đã là một thành công rất lớn của chương trình.

Như anh chia sẻ, được giao trọng trách làm tổng đạo diễn đêm nhạc này là nhân duyên. Anh có thể chia sẻ thêm về nhân duyên này?

Tôi đến thăm gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo lời mời của BAA - đơn vị sản xuất chương trình. Tôi có trình bày cho gia đình về ước mơ được làm đạo diễn một chương trình theo ý tưởng “đối thoại”, và bất ngờ là gia đình đã ngay lập tức giao cho tôi vai trò này.

Đêm đó, tôi mất ngủ vì hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện sẽ được gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu quý, tin tưởng và ủng hộ đến như vậy. Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến BAA, đến gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và cả với ban tổ chức Festival Huế. Các anh chị cũng đã ủng hộ kịch bản này ngay từ lần tôi trình bày đầu tiên. Tôi thật sự rất mang ơn Huế!

Và anh cùng e-kip của mình sẽ quay trở lại Huế, sẽ làm đêm nhạc Trịnh Công Sơn nữa chứ?

Gần nhất thì tháng 7 này, chúng tôi tiếp tục thực hiện đêm nhạc Trịnh Công Sơn trong lễ hội Vì hòa bình ở Quảng Trị, với một cách kể chuyện khác. Còn cá nhân tôi thì nghĩ chắc chắn tôi rất muốn được quay trở lại Huế ở thời gian sớm nhất. Các bạn nghệ sĩ Huế khi chia tay cũng có hẹn: “Hay là làm lại đêm “đối thoại” trong Nhà hát Sông Hương?”. Tôi mong lắm!

Nếu có một kịch bản đêm nhạc Trịnh sẽ được diễn ra dưới cơn mưa Huế, anh nghĩ sao về điều này?

Điều đó quá tuyệt! Tôi sẽ để khán giả, nghệ sĩ cùng “đối thoại” với mưa. Âm nhạc Trịnh Công Sơn là một bức tranh mưa rất đẹp, trong rất nhiều ca khúc. Chỉ là, mong sẽ chuẩn bị thật kỹ khâu tổ chức để không ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian của khán giả.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Phan Thành

(Thực hiện)