Một mẫu cầu thang có hướng ngược kim đồng hồ hiện đại, thông thoáng. Ảnh: Khánh Phương |
Khi biết ba mẹ làm nhà ra riêng nhưng kiểu nhà chỉ có một tầng, con trai chị Hương thỏ thẻ: “Nếu ba mẹ làm nhà mới mà không có cầu thang, thì con ở với ông bà nội mãi cũng được, vì không có chi khác cả”. Thương con, vợ chồng anh chị “xé nháp” bản thiết kế mẫu nhà cấp 4 mái Thái thời thượng và chuyển hướng sang mẫu nhà mái Thái gác lửng để có cầu thang. Nhà mới xây xong, cả nhà ra riêng với không gian nhỏ nhưng vô cùng vừa ý. 8 năm sau, bỗng một ngày - sau những chuỗi ngày quá không hài lòng với cậu con đang tuổi dậy thì, chị Hương nói chuyện nghiêm túc với chồng về cầu thang nhà mình. Không biết chị tìm hiểu thông tin từ đâu, nguồn tin tin cậy đến mức nào mà nhất quyết “đổ tội” cho cầu thang nhà mình khiến cậu con lớn trong nhà “dậy thì mãi không xong”. Chị bảo, hướng đi lên của cầu thang bị ngược với chiều kim đồng hồ - đó là điều kiêng kỵ. Con trai lớn ở trên tầng lửng, là người sử dụng cầu thang mỗi ngày nên hướng cầu thang này khiến cho tính khí của con cũng bị “ngược”, lại càng ngược hơn ở giai đoạn phát triển quan trọng trong cuộc đời.
Ý thức rất rõ về vai trò của cầu thang trong kiến trúc nội thất, nên ngay từ khi lên ý tưởng cho ngôi nhà gác lửng của mình, anh Hải đã trao đổi kỹ với kiến trúc sư thiết kế về mẫu cầu thang được chọn. Do vậy, khi vợ bàn lại vấn đề này sau khi gia đình đã sinh sống ổn định, bình an 8 năm trời thì anh Hải không tin rằng con trai mình ngẳng do hướng của cầu thang trong nhà. Và nhiệm vụ của anh – trụ cột của gia đình, là giúp điều chỉnh hướng nghĩ của vợ đúng về phong thủy cầu thang và “nhìn” con trai kỹ hơn để giúp con có những ứng xử phù hợp.
Qua nhiều trang thông tin tư vấn về kiến trúc – nội thất, anh Hải từng bước chỉ cho vợ thấy những kiêng kỵ “bất thành văn” khi xây dựng cầu thang mà gia đình anh không phạm phải, như: Bậc cầu thang không bị lõm/hở; chân và đỉnh cầu thang không bao giờ đối diện cửa chính; cầu thang không kêu “kẽo kẹt” và lan can “lung lay”; không chọn màu đỏ cho cầu thang; không bắt đầu hay kết thúc cầu thang trước nhà vệ sinh; cầu thang xoắn ốc không đặt giữa nhà… Tuy nhiên, để vợ an lòng và thêm vượng khí cho niềm tin của chị, anh Hải đã đặt thêm các chậu cây cảnh ở điểm đầu cầu thang, các bậc cấp tạo góc và ở điểm kết thúc. Ý tưởng này không chỉ tạo điểm nhấn nổi bật cho cầu thang mà còn đem lại nhiều lợi ích, cát lộc cho không gian chung của ngôi nhà, như: Mát mắt, tươi mới; xua tan căng thẳng, mệt mỏi; thân thiện thiên nhiên… Cùng với đó, ở chân cầu thang nối vào khu vực bếp rộng rãi, anh Hải cũng bố trí một giá sách bằng gỗ để giảm tính trực diện hướng đến tủ lạnh – nơi chứa thực phẩm của gia đình, được kê ở sát tường phía đối diện. Có vậy, anh mới dần được an với những cau có của vợ về cái hướng cầu thang trong nhà.
Cuối cùng, nói như KTS. Hà Anh Tuấn (Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh): Lịch sử kiến trúc cho thấy các truyền tụng kiêng kỵ về cầu thang trong phong thủy truyền thống không nhiều, chủ yếu là nói về bậc cấp, hoặc dạng thang lên các tháp cổ, đền chùa. Còn khi nhà lầu xuất hiện, phú quý sinh lễ nghĩa, gán ghép nhiều quan điểm cho cầu thang gắn với tài lộc, vận mệnh… thì nảy sinh đủ thứ kiêng kỵ không đáng có. Hình nào thì khí ấy, khí nào thì lý ấy. Đừng để các luồng quan điểm sai lệch, mê tín, chạy theo trào lưu vô lối mà quên mất những nguyên lý căn bản để làm cầu thang: An toàn, tiện dụng, hợp lý và thẩm mỹ.