Lăng mộ Thượng thư Lê Quang Định và phu nhân nằm cạnh nhau ở  Ngũ Tây. 

Sáng Chủ nhật 30/6, ở khu cồn mồ Ngũ Tây (phường An Tây, TP. Huế) ở mé trái chùa Thuyền Tôn đã diễn ra một nghi lễ cúng tạ lăng mộ. Lễ cúng bình dị, đơn sơ như của bao gia đình bá tánh khác. Nhưng người đang an giấc dưới lăng mộ kia lại không phải là một người tầm thường, mà là cụ Thượng thư Lê Quang Định và bà phu nhân họ Hoàng của ông. Mộ của ông và bà độc lập, nằm song song nhau đã hơn hai trăm năm qua, và cũng đã suốt một thời gian rất dài ngỡ chừng như thất tán. May sao những năm gần đây hữu duyên được phát hiện, thông tin. Hậu duệ của cụ và các nhà hảo tâm đã hợp lực tìm về cho tu sửa lại theo nguyên trạng. Và đến hôm ấy thì sự hoàn, “tạ Thổ kỳ ân”, kính cáo anh linh phu thê cụ.

Lễ cúng giản đơn, cũng không nghe thông báo, thiệp mời gì rầm rộ, nhưng khi chúng tôi vô tình biết tin và tìm đến chiêm bái, thì thỉnh thoảng lại thấy một vài nhà báo, nhà nghiên cứu, con dân làng Tiên Nộn (Phú Mậu, Phú Vang, nay là TP. Huế) - quê hương của cụ Thượng họ Lê cũng lần lượt tìm về để được dâng nén hương thơm với vẻ thành kính xen lẫn cảm kích, hoan hỷ.

 Lăng mộ đổ nát trước khi được tìm thấy.

Vậy Lê Quang Định là ai mà khiến hậu thế mến mộ như thế? Lê Quang Định (1759-1813) tự là Tri Chỉ, hiệu Tấn Trai. Lúc nhỏ, ông theo người anh vào Gia Định cư ngụ rồi thọ giáo với cụ Võ Trường Toản. Ông đỗ đạt từ rất sớm (1788), là người có tài văn chương, thi họa... Cùng Trịnh Hoài Đức (1765-1825) và Ngô Nhân Tịnh (1761-1813), ông được người đời xưng tụng là “Gia Định tam gia” của đất Gia Định xưa. Hành trạng của ông, chưa cần kể đường hoạn lộ với những ngôi cao, vị trí quan trọng, chỉ riêng việc là tác giả của bộ sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” cũng đủ lưu danh ông cùng thiên cổ.

“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” được xem là bộ địa chí đầu tiên của Triều Nguyễn. Nhà giáo Phan Đăng, người đã dịch và chú giải "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" (tác phẩm duy nhất được trao giải A trong Giải thưởng Sách Quốc gia lần V-2022), đã đánh giá: “Cuốn sách vừa là một thư tịch chính thống nhằm khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX. Nhìn vào hình thức bề thế, nội dung phong phú, nghiêm túc của bộ sách mới thấy hết sự quyết tâm với tầm nhận thức tư tưởng chiến lược, đúng đắn của vua Gia Long; trí tuệ và công phu của tác giả Lê Quang Định... Lãnh thổ dài rộng từ Nam chí Bắc được chép trong đó là một biểu thị về sự hùng mạnh của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX”.

(Bộ sách công phu của Thượng thư Lê Quang Định; Phan Đăng; Người Lao động 5/10/2022).

Lăng mộ cụ Thượng họ Lê nhìn từ ngoài vào; tấm bia cổ của cả ông và bà may mắn vẫn còn nguyên vẹn, chữ vẫn còn đọc được. 

 

Sau rất nhiều năm mất dấu, thậm chí có người còn tin là ông không được an táng ở Huế mà có thể đã được đưa về Nam, nơi ông đã lập thân, nổi tiếng cùng “Gia Định tam gia”. Không ngờ ông và phu nhân vẫn ở đó, suốt hai trăm năm an giấc cùng thông reo gió núi, cùng chuông chùa cổ chốn Thiên Thai. Giờ đây, cháu con, hậu thế hạnh duyên phát hiện, dẫu có bị đổ nát, dẫu có bị cỏ cây phủ lấp, nhưng dấu tích hình thể, bia đá vẫn còn đó. Rồi trong niềm hạnh phúc “tái ngộ”, với tấc lòng thành kính, hai ngôi lăng mộ đã được tu sửa, phục dựng quang rạng, vẹn nguyên như ngày nào một thuở. Có thể chưa là di tích, chưa là điểm tham quan du lịch, nhưng đó chắc chắn sẽ là “điểm đến” của những ai yêu lịch sử, văn hóa, những ai thao thức niềm tri ân với tiền nhân hữu công cùng đất nước.

Diên Thống