Những bộ Hanbok Hàn Quốc lộng lẫy trên sàn diễn. Ảnh: Phan Thành |
Quyết tâm hợp tác
Áo dài Việt Nam và hanbok của Hàn Quốc vừa có một cuộc hội ngộ rất thú vị bên bờ sông Hương do Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên Huế tổ chức. Đây là hoạt động văn hóa nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam, thông qua chương trình nhằm giới thiệu nét đẹp trong văn hóa, trang phục truyền thống của 2 quốc gia, đặc biệt là “quốc phục” biểu tượng trang phục của mỗi nước là áo dài và hanbok, với chủ đề “Sắc hoa hội tụ”, thể hiện tình hữu nghị của hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc.
Chương trình biểu diễn thời trang được ban tổ chức chia ra thành nhiều câu chuyện được kể sinh động qua ngôn ngữ thời trang. Với điểm nhấn là nền nhạc hai ca khúc “Arirang” (dân ca Hàn Quốc) và “Áo dài Việt Nam”, cùng sự góp mặt của các ca sĩ, người mẫu Hàn Quốc và Việt Nam.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT thì cuộc hội ngộ này là kết quả của sự “quyết tâm hợp tác” - nói như lời ông Park Kyoungchul, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc, khi đặt vấn đề với lãnh đạo Sở VH&TT Thừa Thiên Huế. “Đầu tháng 8/2023, tôi nhận được thông tin từ Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc về việc Hiệp hội mong muốn trao đổi và thiết lập quan hệ hợp tác về văn hóa giữa Hiệp hội với Thừa Thiên Huế để cùng thúc đẩy việc quảng bá loại hình trang phục đặc trưng của hai nước là hanbok (Hàn phục) Hàn Quốc và áo dài Việt Nam. Đây là tin rất vui vì phù hợp với mục tiêu của đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” cũng như mong muốn của rất nhiều người”, TS. Phan Thanh Hải nhớ lại.
Ngay sau đó, ông Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc Park Kyoungchul và bà An yousun đã bay đến Huế để tham dự đêm dạ tiệc áo dài “Phong Y Yến” được tổ chức vào tháng 8/2023, một hoạt động song hành của hội thảo quốc tế Kết nối với Việt Nam lần thứ 14. Đêm dạ tiệc “Phong Y Yến” thành công rực rỡ, đem lại những cảm xúc rất đặc biệt cho các đại biểu và du khách. Còn ông Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc càng thể hiện quyết tâm hợp tác với Huế tại buổi làm việc với Sở VH&TT Thừa Thiên Huế.
Để áo dài được như hanbok
Trình diễn áo dài tại Festival Huế. Ảnh: Đăng Tuyên |
Hanbok từ lâu đã được xem là quốc phục của Hàn Quốc. Và Hàn Quốc đã làm một cách rất bài bản, bằng rất nhiều phương pháp khác nhau, từ việc tổ chức các cuộc thi thiết kế hanbok, triển lãm quy mô lớn (Hanbok Expo), sử dụng điện ảnh, âm nhạc (K-Pop), đưa vào giáo dục truyền thống, quảng bá du lịch… để xây dựng hanbok trở thành hình ảnh/thương hiệu đại diện của họ trên trường quốc tế.
Trong khi áo dài Việt Nam, mặc dù được người dân sử dụng trong cuộc sống thường ngày nhiều hơn hanbok của Hàn Quốc. Đồng thời là một trong những yếu tố quan trọng làm nên hồn cốt dân tộc nhưng phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là còn rất lâu mới thực sự trở thành thương hiệu quốc gia nổi tiếng, trở thành một sản phẩm của công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa như hanbok của Hàn Quốc.
Theo TS. Phan Thanh Hải, để áo dài có được vị thế như hanbok, chúng ta có rất nhiều việc cần phải làm ngay. Mà cuộc hội ngộ đầu tiên giữa áo dài và hanbok tại Huế, cũng như Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024 hay các hoạt động thường niên về áo dài do Sở VH&TT Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều năm nay là một trong những phần việc như thế. Đặc biệt trước đó, hồi đầu năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành và triển khai đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” với những mục tiêu rất cụ thể, phục vụ cho việc phát triển bền vững của địa phương. Đề án này đã được Bộ VHTT&DL đánh giá là “một mô hình văn hóa tiêu biểu” và rất đáng biểu dương.
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là nỗ lực của một địa phương và chừng đó vẫn chưa đủ. Câu hỏi bao giờ thì áo dài được như hanbok cần một câu trả lời ở tầm quốc gia với một chính sách chung, dài hơi, bài bản… cho việc phục hưng và phát triển áo dài. Trong đó, việc quan trọng trước mắt là cần chính thức công nhận và vinh danh áo dài với tư cách là một di sản văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc. Bằng cách, Bộ VHTT&DL đưa áo dài vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với một số tiêu chí nổi bật. Và việc lập hồ sơ trình Bộ sẽ do các địa phương thực hiện. Tiếp đến là lập hồ sơ áo dài với một số tiêu chí đặc trưng, nổi bật để đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản phi vật thể đại diện.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Phan Thanh Hải cũng cho biết, từ năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình hồ sơ lên Cục Di sản Văn hóa để đề nghị ghi danh áo dài với hai tiêu chí: Nghề may đo áo dài ngũ thân và tập quán sử dụng áo dài của người Huế. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, vì rất nhiều lý do khác nhau, hồ sơ này vẫn chưa được Cục Di sản Văn hóa chấp thuận.