Thừa Thiên Huế chuẩn bị hạ tầng, quỹ đất... thu hút đầu tư nhà ở xã hội |
Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ
Thực tế, để đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trên địa bàn, thời gian qua Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh đã có rất nhiều chỉ đạo đến các tổ chức tín dụng về tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận vốn tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông đầy đủ nội dung chương trình để người dân, doanh nghiệp nắm bắt và tiếp cận, thiết lập đường dây nóng tại chi nhánh để có những phản ánh kịp thời về chương trình này. Đồng thời, Ngân hàng nhà nước cũng phối hợp với Sở Xây dựng kịp thời thông tin khi có dự án nhà ở xã hội được công bố; đề xuất sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế triển khai… Mới đây, Ngân hàng nhà nước cũng phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức buổi làm việc cùng doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội và các ngân hàng nhằm nắm bắt các thông tin tiếp cận tín dụng, thúc đẩy triển khai cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn.
Các ngân hàng cũng có nhiều nỗ lực trong tiếp cận với các dự án. Ông Thái Văn Khánh, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế khẳng định, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện và được UBND tỉnh công bố theo quy định, Agribank sẵn sàng đồng hành và tài trợ vốn cho dự án.
Tuy nhiên, muốn tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, dự án nhà ở xã hội phải đủ điều kiện để UBND tỉnh công bố và để đạt được điều này phải có dự án triển khai. Trong khi đó, để triển khai một dự án đầu tư nhà ở xã hội không phải câu chuyện một sớm một chiều. Một dự án thực hiện phải trải qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian như hoạt động chuẩn bị đầu tư, giao đất, thực hiện dự án mất từ 2 đến 3 năm. Chưa nói nếu dự án gặp phải các khó khăn về giải phóng mặt bằng thì thời gian còn kéo dài hơn. Thế nên, để dự án triển khai rất cần các sở ngành, chính quyền địa phương phải nhập cuộc trong kêu gọi đầu tư đến hỗ trợ thúc đẩy triển khai dự án.
BIDV nỗ lực trong triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi |
Tuy nhiên trong bối cảnh, thị trường bất động sản gặp khó khăn, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn, chưa sát với thực tế… trở thành rào cản khi các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử, theo quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được UBND tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí. Tuy nhiên, hầu như các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đều tự đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án và không nhận được sự hỗ trợ này từ tỉnh.
Một doanh nghiệp có kinh nghiệm triển khai dự án nhà ở xã hội trên địa bàn chia sẻ, thực tế triển khai đầu tư nhà ở xã hội cho thấy trên danh nghĩa dự án nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi, nhưng thực tế lại trái ngược. Dự án chịu rất nhiều sự ràng buộc từ cơ chế, khống chế lợi nhuận… Chưa nói, các thủ tục thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… cũng gặp không ít khó khăn. Vì thế, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này cũng là điều dễ hiểu. Trừ khi, có một chính sách hỗ trợ thực tế hơn như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng như trước đây, hoặc tháo gỡ được các nút thắt trong thủ tục đầu tư nhà ở xã hội mới có thể thu hút được nhà đầu tư, đầu tư vào lĩnh vực này.
Muốn làm được điều này cần sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Đa dạng nguồn vốn là cần thiết
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn được lấy từ nguồn lực của các ngân hàng thương mại (tiền gửi của người dân), không phải từ ngân sách Nhà nước. Do nguồn lực từ ngân hàng thương mại là tiền gửi của người dân, hoàn toàn không sử dụng vốn ngân sách nên quá trình cho vay phải đảm bảo các điều kiện cơ bản để lãi suất không quá thấp. Điều này có thể lý giải tại sao chương trình vốn vay 120.000 tỷ đồng này không thể kéo lãi suất xuống mức 5% như chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây.
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho hay, theo quy định tại Luật Nhà ở (sửa đổi), nguồn vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội có thể từ nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, có 2 loại nguồn vốn chính: Nguồn vốn Nhà nước từ vốn đầu tư công, vốn từ công trái quốc gia, trái phiếu... ; nguồn vốn ngoài Nhà nước có thể kể đến vốn chủ sở hữu, vốn góp của các chủ đầu tư, doanh nghiệp, vốn tự có của các cá nhân thuộc đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở; vốn vay ưu đãi thông qua NHCSXH và vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định; vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn vốn hợp pháp khác...
Để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội có nhiều nguồn vốn khác nhau và vốn vay ngân hàng chỉ là một trong nhiều loại hình nguồn vốn đó. Kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội ở nhiều quốc gia cho thấy, việc xây dựng quỹ phát triển nhà ở xã hội cũng là một giải pháp khả thi trong đa dạng nguồn vốn. Nhà nước có thể bỏ một phần vốn để hình thành các quỹ này và huy động thêm các nguồn lực từ doanh nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài… góp vốn để hỗ trợ lãi suất vay cho các chủ đầu tư và người mua nhà như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng triển khai trước đây.
Về góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Cotana Capital cho rằng, điều doanh nghiệp quan tâm là việc người mua nhà có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Vì chỉ khi người mua nhà có vốn, dự án mới có thể đầu tư và mang lại hiệu quả. Vì thế, việc bổ sung vốn ưu đãi cho người dân vay vốn mua nhà ở xã hội lúc này là điều cần thiết hơn cả.
Được biết, mới đây NHCSXH Việt Nam đã có văn bản đề nghị Chính phủ bổ sung vốn cho vay nhà ở xã hội, song vẫn chưa có câu trả lời. Thực tế trong bối cảnh gói 120.000 tỷ đồng có quá nhiều vướng mắc như hiện nay thì việc phân bổ vốn vay ưu đãi cho NHCSXH cho người dân thuê mua, xây dựng sửa chữa nhà ở xã hội là điều cần thiết.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Minh Khang cho rằng, nhiều quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội chưa hợp lý, khiến nhiều người chưa có nhà ở không tiếp cận được nhà ở xã hội, cần được sửa đổi cho phù hợp. Có thể kể đến như điều kiện người mua nhà không chịu thuế thu nhập cá nhân, trong khi thuế thu nhập cá nhân hiện đã quá lạc hậu, gây trở ngại cho người có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Một tin vui cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội khi mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi các điều kiện để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có nhiều ưu đãi hơn. Dù vậy, điều cả người dân và doanh nghiệp mong muốn, bên cạnh việc triển khai cho vay, các điều kiện đi kèm của gói tín dụng này cần được nới lỏng hơn. Cùng với đó, các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án nhà ở xã hội nghiên cứu, đầu tư nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nhà ở của người dân.