Đây là nhận định được bà Eugenia Koh, người đứng đầu toàn cầu về tài chính bền vững, tài sản và ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng Standard Chartered đưa ra trong một bài viết trên Tạp chí The Business Times. Theo đó, khi các quy định ngày càng phát triển xung quanh đầu tư bền vững ở nhiều nơi trên thế giới, ngày càng có nhiều nhà đầu tư bắt đầu hiểu được sự liên quan và tầm quan trọng của tính bền vững như một phần trong các mục tiêu đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không thể xác định chính xác hiệu suất hoạt động về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) do thiếu thông tin ESG được tiêu chuẩn hóa.
AI có thể giúp tự động hóa những tác vụ phức tạp. Ảnh minh họa: Bangkokpost/TTXVN |
Các nhà đầu tư hiện nay gặp khó khăn trong việc so sánh hiệu suất ESG của các công ty, do những phương pháp, số liệu và trọng số khác nhau, điều này làm tăng thêm sự phức tạp cho các nhà đầu tư trong việc đưa ra quyết định. Ngoài ra, đầu tư bền vững có ý nghĩa khác nhau đối với các nhà đầu tư khác nhau, tùy thuộc vào cách tiếp cận, giá trị, lợi ích và nguyên tắc của họ.
Bà Eugenia Koh cho hay, các tổ chức tài chính đang ngày càng chuyển sang sử dụng dữ liệu để truyền đạt tác động có lợi của các sản phẩm bền vững tới nhà đầu tư. Trên thực tế, có tiềm năng 8,2 nghìn tỷ USD vốn đầu tư bán lẻ sẽ được đổ vào hoạt động đầu tư bền vững trên khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông vào năm 2030, dựa trên Báo cáo Ngân hàng bền vững năm 2023 của Standard Chartered.
Trong số 8,2 nghìn tỷ USD này, ước tính 3,4 nghìn tỷ USD có thể được huy động đặc biệt cho việc giảm thiểu và thích ứng với khí hậu, với 93% nhà đầu tư được khảo sát cho thấy họ quan tâm đến việc đầu tư vào khí hậu. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận dựa trên dữ liệu nhằm đảm bảo sự tin cậy và tính minh bạch.
“Cho dù chuyển vốn vào các sáng kiến năng lượng tái tạo, điện khí hóa các doanh nghiệp vận tải hay hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội thúc đẩy việc làm công bằng và bình đẳng ở các thị trường đang phát triển, dữ liệu vẫn là trụ cột để mở ra cơ hội đạt được lợi ích về mặt xã hội, tài chính và môi trường”, bà Eugenia Koh lưu ý.
Trong đó, khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đóng vai trò hữu ích trong việc tìm kiếm và tổng hợp dữ liệu ESG đối với hoạt động đầu tư bền vững. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư và người tiêu dùng về thông tin liên quan đến cách thức hoạt động của các công ty và những khía cạnh bền vững, được coi là yếu tố chính trong các quyết định mua bán và đầu tư. Đặc biệt đối với các nhà đầu tư, họ đang tìm kiếm các công ty áp dụng phương pháp giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Những tiến bộ trong AI cũng giúp máy tính tự động hóa các tác vụ phức tạp với tốc độ và khối lượng đáng kinh ngạc một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. AI có thể phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như tin tức, báo cáo nghiên cứu, video và các bài đăng trên mạng xã hội. Phân tích này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về tâm lý của công chúng và nhà đầu tư, các xu hướng mới nổi liên quan đến ESG…
Sức mạnh của AI và các công nghệ đột phá khác cũng có thể được khai thác nhằm đẩy nhanh các mục tiêu đầu tư ESG như những tiến bộ trong mô hình hóa và mô phỏng khí hậu, theo dõi việc làm công bằng ngày càng tăng ở phụ nữ ở các thị trường đang phát triển hoặc tác động của biến đổi khí hậu trên nhiều loại tài sản. Điều này cải thiện tốc độ và việc tìm kiếm dữ liệu, giúp các nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu về các quỹ và các công ty, và cuối cùng là đưa ra quyết định đầu tư.