Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của Thừa Thiên Huế |
Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng, hoạt động TGPL nói chung và TGPL trong HĐTT nói riêng có vai trò quan trọng, thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Bởi các đối tượng được TGPL là những người yếu thế, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em. Việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 về công tác phối hợp TGPL trong HĐTT đã tạo cơ sở pháp lý, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức và người thực hiện TGPL, góp phần hạn chế tối đa việc bỏ sót nhu cầu TGPL.
Từ tháng 1/2023 - 5/2024, tổng số vụ việc TGPL tham gia HĐTT toàn tỉnh là 660 vụ việc; trong đó, số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện 653 vụ việc, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm TGPL thực hiện 7 vụ việc. Đáng chú ý, Trung tâm TGPL đã tổ chức trực tại trụ sở Tòa án nhân dân và trực qua điện thoại, đã tiếp nhận 124 vụ việc TGPL. Do vậy, đã có 24 vụ việc tham gia tố tụng thành công, được dư luận quan tâm. Việc thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia HĐTT có những bước tiến đáng kể, người bị buộc tội, đương sự, bị hại được tiếp cận sớm với TGPL. Thông qua hoạt động phối hợp, công tác TGPL bảo đảm thực hiện quyền được TGPL của người dân, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử, giải quyết vụ việc một cách khách quan, trung thực, đúng pháp luật.
Theo phân tích, tỷ lệ tổng số vụ việc TGPL tham gia HĐTT trên địa bàn tỉnh so với tổng số án do Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý chiếm tỷ lệ 8,7%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình trên toàn quốc (5,2%); số lượng vụ việc TGPL tham gia HĐTT tăng dần qua các năm; 100% trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng; 95% số vụ việc TGPL tham gia HĐTT của Trung tâm TGPL thực hiện do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến. Qua đó, nhận thức của người dân về TGPL trong HĐTT ngày một nâng cao, đối tượng được hưởng dịch vụ TGPL trong HĐTT ngày càng đa dạng, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Thừa Thiên Huế hiện là địa phương có tỷ lệ người yếu thế tương đối cao, đối tượng được hưởng dịch vụ TGPL trong HĐTT ngày càng đa dạng, không chỉ tập trung các đối tượng bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định của pháp luật về tố tụng trong các vụ án hình sự, mà có sự gia tăng các đối tượng được TGPL trong các vụ việc dân sự, nhất là trẻ em và người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
“Việc thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia HĐTT theo Thông tư liên tịch số 10 được triển khai bài bản, có chất lượng thời gian qua là điểm tựa cho những người yếu thế trên địa bàn tỉnh trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực hiện tốt chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước” - ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Tăng cường truyền thông
Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng thông tin: Hội đồng phối hợp liên ngành tiếp tục tăng cường các hoạt động TGPL cho người yếu thế với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, phù hợp những điều kiện của từng khu dân cư, từng đối tượng đặc thù. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành cùng với Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh có giải pháp đưa hoạt động TGPL đi vào chiều sâu và hoạt động hiệu quả hơn. “Đề nghị các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao để công tác TGPL trong HĐTT tại địa phương được thực hiện tốt hơn nữa”.
Tại buổi làm việc với Hội đồng phối hợp liên ngành của tỉnh mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đề nghị cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa, với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với đội ngũ người thực hiện TGPL. Chú trọng thực hiện TGPL không chỉ trong lĩnh vực hình sự, mà còn các lĩnh vực khác như dân sự, hành chính, không để nảy sinh những vấn đề phức tạp. Cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý; chủ động tham mưu, đề xuất về kinh phí cho hoạt động phối hợp phù hợp yêu cầu của pháp luật, yêu cầu của nhiệm vụ.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng lưu ý, tiếp tục nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng TGPL trong HĐTT tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống TGPL; mở rộng đối tượng được TGPL phù hợp với điều kiện của địa phương. Tăng cường, chủ động thực hiện các hoạt động kiểm tra và phối hợp TGPL tại địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cấp trên có biện pháp tháo gỡ; đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL, chú ý các vụ việc TGPL thành công, qua đó giúp người dân hiểu biết, thông tin đầy đủ để tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL.