Người cao tuổi huyện Nam Đông được khám sức khỏe tổng quát và lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Ảnh: Chi cục Dân số tỉnh |
Thiết thực
Theo Cục Dân số, dù có tuổi thọ khá cao (tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi), thế nhưng số năm sống với bệnh tật của NCT Việt Nam vẫn nhiều hơn so với các quốc gia tương đồng về mức sống. Mỗi NCT trung bình mắc 3 – 4 bệnh và có 10 năm phải sống chung với bệnh tật, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống và số năm sống khỏe mạnh. Riêng tại Thừa Thiên Huế, với tỷ lệ 15% NCT, địa phương đang ở giai đoạn già hóa dân số với nhiều thách thức, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT.
ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: “NCT thường gặp tình trạng mắc bệnh tật kép (một người cùng lúc mắc nhiều bệnh), đặc biệt là các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm đòi hỏi chữa trị lâu dài và theo dõi thường xuyên như tăng huyết áp, hen suyễn, bệnh tim mạch, đái tháo đường... Do vậy, phải xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, đặc biệt là về chăm sóc sức khỏe để phù hợp với nhu cầu của NCT”.
Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Cùng với nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, Chi cục Dân số tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động để công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện cho NCT đạt hiệu quả cao.
Chỉ riêng năm 2023 đến tháng 5/2024, nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT đã được Chi cục Dân số tỉnh triển khai đồng bộ trên địa bàn TP. Huế, TX. Hương Trà, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông và A Lưới. Song song với các hình thức như nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, nhiều hội thảo, tập huấn cũng đã được tổ chức để tăng cường chất lượng cho cán bộ, hội viên đảm nhiệm công tác chăm sóc NCT tại cộng đồng.
Thích ứng
Đại diện Chi cục Dân số tỉnh thông tin: Mới đây, hơn 600 NCT tại hai xã Hương Sơn và Thượng Lộ (huyện Nam Đông) đã được các y, bác sĩ khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra huyết áp, làm xét nghiệm đường máu mao mạch và tư vấn, lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Song song với hoạt động thăm khám bệnh, NCT và gia đình có NCT tại huyện vùng cao này còn được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống một số bệnh lý thường gặp ở NCT, cách chăm sóc sức khỏe để NCT sống khỏe mạnh.
Cũng trong tháng 6, tại huyện A Lưới, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở NCT cũng đã được triển khai. Là địa phương có tỷ lệ NCT được khám sức khỏe định kỳ đạt thấp (khảo sát 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy tỷ lệ NCT được khám sức khỏe định kỳ tại A Lưới chỉ đạt 24,6%), không chỉ nâng cao nhận thức, sự quan tâm của cộng đồng đối với NCT, hoạt động còn góp phần nâng cao chất lượng sống cho NCT nói riêng và chất lượng dân số tại huyện A Lưới nói chung.
Hiện nay, với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội đối với NCT để thích ứng với già hóa dân số là vô cùng cần thiết. Để NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc hơn, nội dung, hoạt động tuyên truyền, vận động về công tác chăm sóc NCT nhằm thay đổi hành vi, tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe NCT cũng cần phải được đổi mới, chuyên sâu và hiệu quả.
“Ngoài ra, hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, khám, chữa bệnh cho NCT cũng cần được củng cố và phát triển. Từ đó từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT. Với sự đồng bộ của những giải pháp trên, tin rằng hiệu quả trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe NCT thích ứng với già hóa dân số cũng sẽ ngày càng được nâng cao”, ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm nhấn mạnh.