Trồng rừng bản địa trên những vùng đất trống |
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã và đang tổ chức hướng dẫn các đơn vị trực thuộc cập nhật rà soát, đối khớp ba loại rừng và ba loại đất lâm nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các địa phương cũng đã phối hợp triển khai thực hiện công tác rà soát, đối khớp chức năng ba loại rừng và đất lâm nghiệp tại mỗi địa phương.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, đến nay ở cấp huyện đã triển khai rà soát, đối khớp ba loại rừng và ba loại đất lâm nghiệp tại địa phương. Riêng Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, cán bộ địa chính các xã, phường, thị trấn đã phối hợp tốt với lực lượng kiểm lâm để thực hiện rà soát cụ thể số liệu, với mục đích thống nhất số liệu đất lâm nghiệp giữa ngành tài nguyên môi trường và ngành lâm nghiệp.
Tính đến đầu tháng 7, về diện tích ba loại rừng nhưng thuộc ba loại đất lâm nghiệp khoảng trên 8.000ha, các hạt kiểm lâm đã cập nhật gần 5.153ha theo đúng chức năng ba loại đất lâm nghiệp. Về diện tích rừng tự nhiên, ngoài ba loại rừng, ba loại đất lâm nghiệp khoảng trên 207ha, Hạt Kiểm lâm các huyện Nam Đông, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà đã thực hiện rà soát 52,63ha. Kết quả, có 15,57ha có hiện trạng thực tế là rừng trồng và đất trống. Các đơn vị còn lại đang tiến hành rà soát.
Về diện tích thuộc ba loại đất lâm nghiệp nhưng chưa có ranh giới lô rừng khoảng trên 3.627ha và diện tích chưa đối khớp hoàn toàn giữa ba loại rừng và ba loại đất lâm nghiệp trên 11.771ha, được hạt kiểm lâm cấp huyện đang phối hợp làm việc với ngành tài nguyên môi trường để thống nhất số liệu.
Mặc dù có những nỗ lực, đạt những kết quả nhất định, nhưng theo đánh giá của ông Lê Ngọc Tuấn thì quá trình theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cập nhật đối khớp ba loại rừng và ba loại đất lâm nghiệp gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, một số địa phương, đơn vị còn nhầm lẫn giữa khái niệm chức năng (hiện trạng) ba loại rừng và quy hoạch ba loại rừng, dẫn đến sai phương pháp và mục tiêu đối khớp dữ liệu.
Phòng Tài nguyên và Môi trường một số huyện chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm. Phần mềm bản đồ số giữa hai ngành khác nhau nên khó khăn trong quá trình đối chiếu số liệu. Cán bộ địa chính một số xã không sử dụng thành thạo phần mềm bản đồ và không nắm rõ số liệu đất lâm nghiệp tại địa phương... nên mất nhiều thời gian trong quá trình rà soát.
Ngoài ra, ngành lâm nghiệp còn gặp phải một số khó khăn trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phục vụ trồng rừng thay thế ngày càng ít và có địa hình phức tạp với độ dốc lớn, bị chia cắt bởi khe suối, nằm ở vùng xa, nhiều trâu bò thả rông phá hoại nên việc tổ chức trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Một số quy định, chính sách liên quan đến phát triển lâm nghiệp với nhiều nội dung đổi mới tại các văn bản pháp luật đã được ban hành vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn như chưa quy định rõ ràng về thủ tục thanh toán, phương thức hỗ trợ (hỗ trợ sau đầu tư), đại diện pháp nhân đứng ra hỗ trợ đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên kết tham gia chứng chỉ quản lý rừng bền vững; chưa có hướng dẫn cụ thể việc xây dựng dự án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng...
Để việc cập nhật đối khớp ba loại rừng và ba loại đất lâm nghiệp, quản lý rừng bền vững mang lại hiệu quả, ngành lâm nghiệp đang tiến hành triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa các ban ngành, chính quyền địa phương và các chủ rừng.