Khu vực bếp là không gian được mở rộng thay cho phòng khách. Ảnh: Minh Quốc

Công việc bận rộn, sáng đi tối về, trưa đã có cơm văn phòng tại nơi làm việc, khi sắp sửa xây nhà, anh Nguyễn Ngọc Mẫn (TP. Huế) cùng vợ đã quyết định xây nhà không phòng khách. Thay vào đó, anh muốn mở rộng không gian phòng ngủ, nơi sinh hoạt cho con và khu vực bàn ăn.

Anh chia sẻ: “Nhìn vào việc sử dụng thời gian của hai vợ chồng, tôi nhận thấy tần suất sử dụng phòng khách ít. Trong khi đó, số lượt gia đình tiếp khách cũng không nhiều và đa phần đều ra quán ăn, nhà hàng. Vì vậy ưu tiên của tôi là phòng ngủ, nơi nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc. Nơi sinh hoạt cho con cũng cần mở rộng để tôi và vợ đồng hành cùng con học tập cũng như vui chơi. Nếu có khách thân thiết thì cả nhà có thể sum vầy ở khu vực bàn ăn, nơi rộng rãi, thoải mái để vừa thưởng thức món ăn, vừa trò chuyện thân tình”.

Cùng chung quan điểm chú trọng vào không gian khác thay cho phòng khách, với nghề làm bánh homemade, Trần Thị Hiền (TP. Huế) đã ưu tiên cho không gian bếp khi xây nhà. Thay vì phòng khách, ngôi nhà của cô gái 9X có không gian bếp rộng rãi ngay sau cửa chính. Cùng với nồi niêu, dụng cụ nấu nướng, khu bếp của Hiền còn có tủ đựng nguyên liệu cùng các loại lò để nướng bánh.

Hiền cho biết: “Hiện tại, không gian bếp của nhà mình chiếm 1/2 diện tích ngôi nhà. Ngoài bếp, mình có phòng ngủ, phòng giặt thông ra khoảng sân sau thông thoáng. Điều này giúp mùi thức ăn nấu nướng thoát ra bên ngoài, không lưu cữu hay ám mùi vào các vật dụng. Phần còn lại của khu vực bếp mình tận dụng để trở thành không gian tận hưởng bữa ăn của gia đình nhỏ”.

Đã từ lâu, phòng khách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngôi nhà. Thông thường, các gia đình hay đón tiếp khách tại phòng khách. Không gian này cũng là nơi sum họp, tụ tập của các thành viên trong gia đình. Là căn phòng được bố trí đầu tiên ngay sau cánh cửa chính khi bước vào nhà, vì thế, phòng khách thường được xem như là “gương mặt” của ngôi nhà. Từ cách bài trí đồ nội thất, đồ trang trí, phòng khách sẽ phản ánh rõ nét nhất tính cách và phong cách của gia chủ.

Thế nhưng, đời sống thay đổi đã dẫn đến sự thay đổi nhu cầu sử dụng phòng khách. Kiến trúc sư Công Thịnh cho biết: “Với nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ, phòng khách không còn là sự lựa chọn đầu tiên để cả gia đình gắn kết. Cùng xu hướng kiến trúc và nội thất tối giản, đồng thời với sự tác động của đại dịch, nhiều gia đình đã tìm đến sự gắn kết ngay chính bên trong ngôi nhà thông qua không gian thay thế cho phòng khách. Những khoảng không gian như khu vực bếp, phòng ngủ, khoảng hiên đã được xem trọng hơn và ngày càng tối ưu hơn”.

Trong đó, thường thấy nhất trong ngôi nhà không phòng khách đó là lựa chọn như gia đình anh Mẫn. Cùng với mở rộng khu bếp, bàn ăn, không gian phòng khách sẽ được “biến hóa” thành nơi học tập, vui chơi của con trẻ, đồng thời có thể trở thành nơi làm việc của cả người lớn. Bởi đặc trưng của dạng nhà này, đa phần những gia đình trẻ, ít thành viên hoặc người độc thân sẽ phù hợp với không gian sống không phòng khách.

“Ngược lại, với những gia đình 2 – 3 thế hệ hoặc có số thành viên lớn hơn, để tận dụng triệt để ưu điểm của phòng khách nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu sử dụng hợp lý có thể lựa chọn phòng khách kết hợp (phòng khách kết hợp với bếp, phòng khách kết hợp phòng ăn, phòng khách với phòng ngủ) hoặc không gian mở. Tựu trung, dù không phòng khách, phòng khách kết hợp hay phòng khách đơn thuần thì không gian sống sẽ đều đáp ứng được nhu cầu khác nhau của mỗi gia đình khi được chọn lựa hợp lý”, KTS. Công Thịnh cho biết thêm.

Tuệ Lâm