Nhiều hộ gia đình tại A Lưới mạnh dạn phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Ch.X |
Phát huy được thế mạnh địa phương
Trước đây, gia đình bà Trần Thị Đơn, dân tộc Tà Ôi, xã A Ngo, huyện miền núi A Lưới là một trong những hộ nghèo của xã. Sau nhiều năm bươn chải với cuộc sống, cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 2016, gia đình bà được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.
Có vốn, bà Đơn đã tập trung cải tạo 3ha đất đồi của gia đình, sau đó mua toàn bộ cây giống chủ yếu là keo để trồng. Sau gần 5 năm chăm sóc, rừng keo đã phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2020, bà Đơn đã trả hết nợ ngân hàng và thoát khỏi hộ nghèo của xã.
Xác định phải thoát nghèo bền vững, đầu năm 2021, bà Đơn tiếp tục đề xuất Tổ tiết kiệm, bình xét vay vốn hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Sau bình xét, bà Đơn được NHCSXH cho vay 50 triệu từ nguồn vốn vay này để đầu tư mở rộng trồng thêm 2ha rừng và 3 con bò. “Muốn đầu tư phát triển kinh tế điều quan trọng nhất là vốn, mà nhìn vào căn nhà dột nát (như lúc mới vay vốn) chẳng ai dám cho mình vay mượn. Khi tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH, gia đình mới đầu tư phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích rừng. Nhờ đó, từ một hộ 3 không (không nhà cửa an toàn, không thu nhập, không việc làm) đến nay gia đình đã trở thành gia đình 3 có: có nhà cửa khang trang, có thu nhập ổn định, con cái được học hành”, bà Đơn chia sẻ.
Ông Đinh Viết Cường, Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc, huyện A Lưới khẳng định, thông qua nguồn vốn của NHCSXH, người dân đã phát huy được thế mạnh của địa phương tập trung trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp cải tạo vườn tạp, làm dịch vụ… Nhờ đó, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 71% thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 15,41%. Đây là nguồn vốn rất quan trọng góp phần giúp xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024.
Xóa nhà tạm
Không chỉ hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp đồng bào phát triển kinh tế, các hộ đồng bào DTTS vùng cao A Lưới có cơ hội được tiếp cận vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở từ nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025” theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP (NĐ 28). Nguồn vốn ưu đãi này đã trao thêm cơ hội an cư cho đồng bào DTTS tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi.
Là một trong những hộ vay vốn xây nhà ở theo NĐ 28, anh Hồ Văn Thứ (dân tộc Pa Cô, thôn A Tia 1) vui mừng khi căn nhà mới của gia đình được hoàn thiện. Theo anh Thứ, căn nhà trước đây vốn không kiên cố, lại bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão năm 2021 nên hư hỏng nặng, nhưng gia đình chưa có cơ hội đầu tư. Mới đây được sự hỗ trợ của Nhà nước 40 triệu đồng và nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện A Lưới 40 triệu đồng, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà ở với tổng chi phí dự kiến 120 triệu đồng, nay mưa to, gió lớn cũng không còn phải lo lắng nữa. Chúng tôi rất biết ơn chính sách của Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến người dân vùng sâu, vùng xa. Đây là động lực lớn giúp chúng tôi yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Không riêng anh Thứ, tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS - miền núi vùng cao A Lưới, các hộ đã tiếp cận nguồn vốn này một cách nhanh chóng và thuận lợi; các ngôi nhà hộ nghèo người đồng bào DTTS được xây mới khang trang làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH hội huyện A Lưới Lê Quang Thắng cho biết, đến thời điểm hiện tại, huyện đã có trên 33.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ngân hàng. Thông qua nguồn vốn đã giúp cho trên 5.900 hộ nghèo vay phát triển sản xuất; trên 1.700 lao động được tạo việc làm mới, đáp ứng cho 576 HSSV có hoàn cảnh khó khăn trang trải các chi phí học tập; gần 17.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo và xây dựng mới…