GS. Cao Huy Thuần và trang bìa tác phẩm “Im lặng như lời chia tay” |
Giáo sư Cao Huy Thuần hơn tôi 2 tuổi (anh sinh năm 1937 tại Thừa Thiên Huế). Có chút “duyên” quen biết, mỗi khi anh về thăm Huế, tôi lại có dịp gặp anh, khi tại nhà riêng của anh Cao Huy Hóa, lúc được anh mời ăn cơm cùng gia đình tại căn nhà ở đường Điện Biên Phủ… Khoảng dăm năm qua, không thấy GS. Cao Huy Thuần về thăm Huế, tôi cũng như nhiều anh chị em văn nghệ sĩ trí thức Huế đều quan tâm đến sức khỏe của anh.
Bây giờ thì không còn hy vọng lại được gặp anh, nghe anh trò chuyện nữa. GS. Cao Huy Thuần đã chẳng còn cơ hội trở về thăm Huế nữa, nhưng tôi cảm thấy anh như vẫn còn đó, với phong thái ung dung, tự tại, điềm đạm, nhỏ nhẹ mà sâu sắc trong từng lời nói, từng câu văn. Nhà phê bình Huỳnh Như Phương, trong “Lời đầu sách” Im lặng như lời chia tay của Cao Huy Thuần (NXB Đà Nẵng - Nhà sách Khai Tâm, tháng 12/2022) đã viết: “Cao Huy Thuần viết văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca. Văn ông có nhiều khoảng trống mời gọi người đọc liên tưởng. Văn chương ấy không làm nở những bông hoa, làm tươi những giọt nắng, nhưng có thể vĩnh cửu hóa màu nắng hạ và mùi thơm của bông sen quê nhà…”.
Nhà phê bình chỉ mới bình luận về văn chương những tập sách thuộc thể loại tùy bút - tản văn mà GS. Cao Huy Thuần cứ vài năm lại cho cho xuất bản một cuốn luôn được bạn đọc đón chờ như Nắng và Hoa, Thế giới quanh ta, Thấy Phật, Nhật ký sen trắng, Sợi tơ nhện…, nhưng di sản Cao Huy Thuần để lại còn phong phú hơn nhiều. Chỉ riêng tác phẩm “Thượng đế, thiên nhiên, người, tôi & ta” (NXB TP. Hồ Chí Minh, in lần đầu 2000), GS. Cao Huy Thuần đã đặt ra những vấn đề lớn, rất hệ trọng, lại vừa có tính thời sự cho cả nhân loại, chứ không chỉ với Huế. Có thể nói như thế vì loài người trên con đường chạy đua hiện đại hóa đang bất chấp những quy luật của tạo hóa, can thiệp thô bạo vào tự nhiên và thậm chí hủy hoại vô số cảnh quan thiên nhiên, gây ra rất nhiều thảm họa… Đọc lại những trang viết trong cuốn “Thượng đế, thiên nhiên, người, tôi & ta”, tôi có cảm giác như GS. Cao Huy Thuần vẫn tham dự vào tiến trình xây dựng đất nước, trong đó có thành phố quê hương của anh, đang hướng tới mục tiêu xanh - sạch - đẹp. Thật thú vị khi một tác giả tuy sống lâu năm bên Tây, thông hiểu sâu sắc triết lý Tây phương nhưng lại trân trọng đề cao những giá trị văn hóa phương Đông.
GS. Cao Huy Thuần đã nhấn mạnh là, lâu nay chúng ta thường quan niệm việc bảo vệ thiên nhiên chỉ vì lợi ích của con người. Đã đến lúc cần phải quan niệm con người và thiên nhiên đều có giá trị bằng nhau vì đều có giá trị nội tại, vì đều là những hình thức sống - những hình thức sống khác nhau. Người chỉ là một bộ phận trong một chuỗi sinh thái. Và thiên nhiên có giá trị nội tại, nên thiên nhiên cần phải được công nhận là một chủ thể luật pháp. Cũng có nghĩa là chúng ta phải biết tôn trọng quyền của thiên nhiên. Chính vì thế, trong cuốn sách đã dẫn, GS. Cao Huy Thuần rất chú trọng đến “triết lý luật” và thái độ của con người trước thiên nhiên. Chúng ta, cả Nhà nước và xã hội, đang “vất vả” trong việc xây dựng luật pháp và thực thi pháp luật. Quốc hội kỳ họp nào cũng dành phần lớn thì giờ bàn về luật. GS. Cao Huy Thuần trình bày vấn đề từ nguyên thủy, từ nguồn gốc sinh ra luật (Luật là gì? Luật bắt nguồn từ thần linh - Luật bắt nguồn từ Thượng đế - Luật đến từ tự nhiên - Luật đến từ con người, từ cá nhân...); có những mối tương quan, những phạm trù tưởng là rất dễ phân biệt nhưng vẫn gây “rắc rối” như “luật và phong tục”, “luật và luân lý”, “luật và đạo đức”, “luật và tôn giáo”... Hiểu biết cặn kẽ những vấn đề này hẳn là rất có ích trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền, một xã hội biết tôn trọng luật pháp…
Tưởng nhớ GS. Cao Huy Thuần, đọc lại những trang sách của anh xuất bản cách đây gần 25 năm (sách in năm 2000) mà tôi thấy như anh đang ngồi đâu đó bên sông Hương, trò chuyện với những chủ nhân mới của thành phố đang trăn trở tìm con đường phát triển tốt nhất để Huế luôn xứng đáng là một trung tâm văn hóa của cả nước…