Từ vị trí trên cao phía con đường, tôi có thể thu vào tầm mắt toàn bộ khung cảnh của cánh đồng khi nắng xuống. Nơi đây là một vùng nước non ảo diệu bởi ánh sáng và sự phản chiếu những chân đồi, ngọn núi thẳm xanh.

Những bãi đất, mặt phẳng cứ tuần tự xếp lớp, tạo ra những lát cắt không gian từ thấp lên cao. Đầu tiên là những ao hồ men dọc, kề sát theo bên hông một đoạn đường quốc lộ. Nước ở đây thường xuyên được thau rửa, không hề tù đọng nên lấp loáng, ánh lên màu xanh sáng không vương chút rong rêu. Kế đó là cánh đồng bát ngát, lúa dập dờn đổi sắc theo mùa. Những ngày hè, cánh đồng xanh ngời màu non. Chiều buông, trời bớt nóng hơn, những người nông dân tranh thủ ra đồng nhổ cỏ lúa, số khác be bờ, đắp đất, trổ những con kênh nhỏ để dẫn thêm nước vào đúng mảnh ruộng của mình. Từ xa, những dáng hình, nông cụ, những bộ áo quần màu xanh lục, nâu đất và màu vàng bàng bạc của những chiếc nón lá khi đứng lên, khi ngồi xuống, cứ liên tục nhấp nhô, nhấp nhô.

Tôi cũng từng ngắm nhìn cánh đồng này nhiều lần vào các mùa khác trong năm. Những ngày đông, khí lạnh len lỏi, ngưng tụ, mưa xiên chéo trắng trời. Những con nước từ trên cao đổ về khiến cánh đồng sau một đêm liền trở thành bãi sông rộng. Không ai trồng trọt vào mùa này, những bụi cỏ dại cũng đã bị nước nhấn chìm, cuốn trôi. Chốc chốc, thấy hiện ra vài đàn cò trắng từ phương xa bay về, sà xuống kiếm ăn.

Xa hơn cánh đồng là những đồi nương, chân núi, là những rừng cây. Vì khoảng cách quá xa nên thời điểm nào trong ngày, từ phía đồng bằng nhìn ngược lên cũng chỉ thấy một màu rì xanh, thăm thẳm. Việc không nhìn thấy rõ được loại cây cụ thể nào đang được trồng trọt trên nương đồi hóa ra lại hay. Vì, cái sự nhận biết, nắm bắt, gọi tên một sự vật, hiện tượng đôi khi không nằm ở quan sát thực tế mà nằm trong trí tưởng tượng hoặc nhờ đến của những ấn tượng vốn dĩ đã có sẵn từ xa xưa. Nơi tôi từng sống cũng có những ngọn núi, chân đồi. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số thường trồng lúa, trồng nếp, trỉa ngô, trồng cà, trồng đậu. Sau này, nhờ các dự án nông nghiệp, mọi người còn thâm canh thêm sắn, tràm keo và một vài giống cây thảo dược khác.

Tôi và những đứa trẻ chăn trâu, cắt cỏ lớn lên trong những ngôi làng trung du ven chân núi ngày ấy, dù chưa bao giờ được tự do trèo lên, rong chơi thật thỏa thích trên đỉnh những ngọn đồi cao, nhưng sau này, mỗi khi có dịp ngắm nghía từ xa, cái miền xanh thăm thẳm ấy, chúng tôi vẫn thấy quen thuộc, nhung nhớ như đã từng gắn bó với một nơi được gọi là nhà. Mẹ tôi đã đúng khi bảo, những người từng sống trong núi, gần núi, dù họ đi đâu, bao xa, bao lâu, thì vẫn luôn có một ngọn núi sống mãi trong lòng.

Chiều dần buông, từ con đường tôi nhìn xuống cánh đồng và những hồ nước, rồi vọng lên những chân đồi, ngọn núi rì xanh. Cánh đồng, mặt ruộng chỗ xanh êm, chỗ lấp loáng gợn sóng. Từng đợt ánh sáng trôi lăn tăn theo từng bước dịch chuyển của mặt trời. Tôi thấy xa xa trong xóm thôn là hàng cau cao tít tắp, những ngôi nhà ngói đỏ và vườn cây trái thẫm xanh. Chân trời phía tây dần nhuốm màu lam tím, trong tiếng gió êm êm, tôi ru mình đứng thật yên trong đắm say, tĩnh lặng.

Cùng với núi đồi, lòng tôi từ nay sẽ luôn có thêm những cánh đồng chiều.

Diệu Thông