Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng rất đông du khách, người dân tham dự chương trình |
Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình” do Nhà báo Võ Nguyên Thủy, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Trị và ông Nguyễn Trung Trực, đại diện gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm tổng đạo diễn. Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia: Cẩm Vân, Quang Dũng, Đức Tuấn...; sự góp mặt của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; nghệ sĩ violon Hàn Quốc Jmi Ko, ca sĩ gốc Mỹ Kyo York và bé Cindy…
Hòa bình là tiếng lòng, ước mơ chung của nhân loại; đích đến cuối cùng của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng nhân ái và tình hữu nghị bao la. Tiếng nói ngợi ca hòa bình thực sự ý nghĩa khi được vang lên từ Việt Nam, một đất nước mấy nghìn năm đấu tranh không ngừng nghỉ để bảo vệ chủ quyền và bảo vệ quyền cơ bản của con người: quyền được sống trong hòa bình.
Tiếng nói ấy càng ý nghĩa hơn khi được vang lên từ những vùng đất từng hứng chịu nhiều nỗi đau do chiến tranh như Quảng Trị. Chương trình là tiếng nói của lòng bao dung, những hàn gắn để quên đi mọi vết thương cũ và khát khao vì một ngày mai phát triển cùng nhau của toàn nhân loại.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biểu diễn tại đêm nhạc |
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người con của xứ sở Bình Trị Thiên thuở nào, không chỉ được biết đến với những bản tình ca lay động bao thế hệ yêu nhạc, còn là người nghệ sĩ của hòa bình
Bằng âm nhạc, ông đã nói lên tiếng nói của thân phận con người, của khát khao hòa bình từ những ngày tháng cũ, đến những ngày tháng mới đầy bao dung và trong sáng của tình yêu nhân loại.
Việt Nam nói chung, nhân dân Quảng Trị nói riêng, là những người rất yêu chuộng hòa bình. Đêm nhạc Trịnh Công Sơn "Khúc ca hòa bình" như một cách để dùng ngôn ngữ nghệ thuật, dưới lăng kính lãng mạn và triết học trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để gửi gắm đến khán giả ý nghĩa đó.
Chương trình gồm 3 phần. Phần 1 có chủ đề “Cho tôi đi nâng dậy hòa bình”. Quá khứ chiến tranh đi qua trong âm nhạc Trịnh Công Sơn như một bức tranh đầy hiện thực nhưng cũng đầy tình yêu thương. Nơi đó, ta nhìn thấy được nỗi đau khổ của thân phận con người: nhỏ bé, lầm than trong những ngày bom đạn. Nhưng âm nhạc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn không chỉ có thế. Ngay trong những ca khúc phản chiến ấy, ta thấy rất rõ khát vọng hòa bình trong từng câu hát.
Khát vọng hòa bình là tiếng nói của nhân dân Việt Nam nói riêng và của toàn nhân loại nói chung: “Cho tôi đi xây lại chuyện tình, Cho tôi đi nâng dậy hòa bình...”.
Tiết mục biểu diễn của 2 cha con nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn |
Phần 2 có chủ đề “Tình ca hòa bình”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã xem hòa bình như một điều tất yếu đi từ trong bản sắc văn hóa, bản sắc con người Việt Nam, gieo vào lòng con người tình yêu thương màu nhiệm không biên giới. Hòa bình cũng thế, đó là khát khao mộc mạc, tự nhiên, hồn nhiên của mỗi người. Sau những ngày khát vọng “Chờ nhìn quê hương sáng chói” là một Việt Nam đã hòa bình, đẹp giản đơn và thiêng liêng. Hòa bình đẹp như những bản tình ca của tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương nhân loại, tình yêu thương con người.
Phần 3 có chủ đề “Hãy yêu nhau đi”. Khi cả thế giới cùng về Quảng Trị để cầu nguyện, ngợi ca hòa bình. Hòa bình, là không phân biệt màu da, quốc tịch, giới tính, thế hệ… cùng nhau hướng đến tương lai tươi sáng của tình yêu, tình hữu nghị, sự chăm lo cho thế hệ mai sau. “Hãy yêu nhau đi” là thông điệp ý nghĩa của chương trình này, dành cho tất cả mọi người.
Tại đêm nhạc, khán giả được thưởng thức những tác phẩm nổi tiếng của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chờ nhìn quê hương sáng chói”, “Người mẹ Ô Lý”, “Ca dao mẹ”, “Ta thấy gì đêm nay”, “Xin cho tôi”, “Diễm xưa”, “Hạ trắng”, “Này em có nhớ”, “Còn tuổi nào cho em”, “Hành hương trên đồi cao”...
Ca sĩ Cẩm Vân biểu diễn |
Phát biểu tại đêm nhạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Vì hòa bình 2024 nhấn mạnh, từ điển Bách khoa Pháp Le Million khẳng định: “Trịnh Công Sơn cất cao tiếng hát thi nhân mà đạn bom không bao giờ dập tắt được”; và Nhạc Trịnh đã “thấm vào lòng người như suối tưới” như Văn Cao, cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam đã nhận xét và dòng suối ngọt ngào đó đang chảy mãi với thời gian.
Với Quảng Trị, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có nhiều duyên nợ, gắn bó. Bài hát nổi tiếng “Người mẹ Ô Lý” của ông viết về một bà mẹ Quảng Trị mà ông đã gặp trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Có thể nói nhạc phẩm này là một trong những tượng đài âm nhạc về hình ảnh người Mẹ Việt Nam chịu thương chịu khó, dâng hiến, hy sinh tất thảy cho chồng con, cho gia đình và luôn ước nguyện những điều hết sức bình dị mà hòa bình sẽ đem lại cho cuộc đời của mỗi người dân nước Việt.
Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đến với Quảng Trị để tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh và tái thiết quê hương. Trong bút ký “Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba” viết năm 1978, ông đã dự cảm về tương lai tươi sáng của Quảng Trị: “Đào một con kênh, khơi một dòng nước là hoán đổi toàn bộ cục diện của thiên nhiên và đời sống của con người. Hình ảnh một con kênh nước xanh như ngọc lại thoáng hiện trong trí óc, rồi nhường chỗ cho một nỗi nhớ khôn nguôi những con người đang pha lẫn mồ hôi mình cùng với biết bao nhiêu điều kỳ lạ còn mọc lên nơi đây”.
Hơn 40 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mặt trên mảnh đất Quảng Trị, dự cảm của ông đã thành hiện thực. Tỉnh Quảng Trị đã thực sự hồi sinh, thay da đổi thịt và đang vươn mình phát triển, vượt lên trên tro tàn đổ nát của chiến tranh. Tình cảm và mong ước về một tương lai tươi sáng cho Quảng Trị của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang được cộng hưởng trong một khát vọng chung. Đó là xây dựng Quảng Trị, mảnh đất chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh trở thành nơi hội tụ của niềm tri ân, tình yêu thương, lòng nhân ái và khát vọng hòa bình bất diệt.
Đây là một trong 5 chương trình “đinh” của Lễ hội Vì hòa bình 2024.