Cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch. Ảnh: MINH ANH |
Nguy cơ
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ bùng phát thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, trung bình từ 5 - 10% trên tổng số ca bệnh do đó cực kỳ nguy hiểm.
Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Một khi bạn đã bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố và độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở: Mũi, họng, lưỡi, đường thở (khí quản). Trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận. Do vậy, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng, ví dụ như viêm cơ tim, liệt hoặc suy thận. Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp.
Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Ở những địa phương này, trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu. Những người sau đây cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn, nếu không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; đi du lịch đến một đất nước không tiêm chủng vắc-xin bạch hầu; bị các rối loạn miễn dịch, ví dụ như bị AIDS; sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp…
Biết sớm để phòng
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào, trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường. Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm: Sốt, ớn lạnh, sưng các tuyến ở cổ, ho, viêm họng, sưng họng, da xanh tái, chảy nước dãi (miếng), có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm: Khó thở hoặc khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp hay các dấu hiệu sốc, như: Da tái và lạnh, vã mồ hôi, tim đập nhanh…
Để dự phòng bệnh bạch hầu, trước tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho Nhân dân; trong đó, cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để họ phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế cho con đi tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ. Song song, cần phải gìn giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ để phòng bệnh. Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.
Cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch.
Để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng và an toàn, trước khi tiêm, khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới.