Trẻ tiêm vắc xin 6 trong 1 (trong đó, có thành phần ngừa bạch hầu) dịch vụ tại CDC |
Những ngày qua, lượng người đến tiêm vắc xin mũi nhắc lại BH tại CDC tăng đột biến. Có người dẫn cả gia đình, con cháu đi tiêm sau thông tin ca bệnh xuất hiện ở Nghệ An, Bắc Giang. Bình quân mỗi ngày, có khoảng 50 lượt người đến tiêm Tetraxim (phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt) mũi nhắc lại dành cho trẻ em. Do vậy, vắc xin Tetraxim không đủ đáp ứng nhu cầu.
Sáng 15/7, bà Phạm Thị Hương từ Phú Lộc bắt xe buýt lên CDC cùng hai cháu nội tiêm vắc xin phòng BH mũi nhắc lại nhưng nhận được thông báo vắc xin tạm hết, chờ 1-2 ngày nữa nguồn thuốc mới có. Bà Hương chia sẻ: “Nghe tình hình bệnh BH diễn biến phức tạp, tôi rất lo lắng nên đưa hai cháu nội đi tiêm vắc xin. Đến đây, tuy vắc xin gián đoạn song các cán bộ y tế tư vấn kỹ càng, cho tôi tờ rơi có đầy đủ thông tin để lần sau gọi điện hỏi kỹ trước khi đến”.
ThS. BSCKII Nguyễn Lê Tâm cho hay, theo quy định của Luật Đấu thầu, thủ trưởng đơn vị sẽ quyết định mua vắc xin phục vụ phòng chống dịch bệnh cần thiết trong phạm vi dưới 50 triệu đồng. Ngoài vắc xin phòng BH mũi nhắc lại cho trẻ em, CDC sẽ nhập thêm vắc xin Boostrix và Td tiêm phòng bạch hầu cho người lớn trong tuần này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng. CDC sẽ thông báo cụ thể trên trang web của đơn vị về tên vắc xin, mức giá để người dân tham khảo.
“Bệnh BH thời gian qua xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hàng năm, Thừa Thiên Huế đều đạt tỷ lệ tiêm chủng cho đối tượng 1 tuổi trở lên 90% nên không đáng lo ngại. Trước tình hình dịch bệnh BH diễn biến phức tạp một số nơi, theo chỉ đạo của Sở Y tế, đơn vị tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo tuyến y tế cơ sở phát hiện ca bệnh, đưa ra phương án xử lý kịp thời. Người dân có nhu cầu tiêm vắc xin phòng BH dịch vụ mũi nhắc lại có thể đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể”, ông Tâm nói thêm.
Trước đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản gửi các sở y tế về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh BH. Đề nghị các đơn vị khẩn trương tập huấn, nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu trong quyết định số 2957/QĐ-BYT cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 5 ca mắc bạch hầu tại Hà Giang và Nghệ An, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Bệnh BH có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Thời gian gần đây, số ca mắc BH ở Việt Nam giảm nhiều nhờ triển khai tiêm chủng mở rộng, chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc không được tiêm chủng đầy đủ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT, bổ sung thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người lớn cần tiêm nhắc lại vắc xin phòng BH sau mỗi 10 năm nhằm củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.