Phụ huynh quan tâm, lắng nghe con trẻ là cách giáo dục trẻ tốt nhất (ảnh minh họa). Ảnh: NGỌC HÒA |
Nhiều gia đình khá giả chỉ biết cho con tiền theo yêu cầu của con mà chưa theo dõi, kiểm tra con mình dùng số tiền ấy với mục đích gì. Đó là một cách quan tâm, nhưng cách quan tâm này có khi tác động ngược. Chúng tôi đã từng nghe câu chuyện từ một gia đình có đứa con trai hư hỏng vì bố mẹ cho quá nhiều tiền. Khi mọi chuyện vỡ lẽ, cậu con trai òa khóc và quay trở lại trách bố mẹ: “Mẹ chỉ biết cho con tiền chứ đã có khi nào mẹ hỏi con làm gì, đi đâu và học hành như thế nào không?”. Một trường hợp khác, có ông bố ngày nào cũng đều đặn đưa đón cậu con trai đến trường, 7 giờ chở con đi, 11 giờ 20 đón con về. Ấy vậy mà cậu bé lại vắng 3 buổi học liên tiếp. Người cha quá ngạc nhiên, và rồi hỏi ra mới biết, khi ông bố quay xe về, cũng là lúc cậu con trai chuồn tiết học la cà với đám bạn và canh đúng giờ tan trường lại ôm cặp đứng sẵn ở cổng…
Thực tế cho thấy, không phải cho trẻ thật nhiều tiền, không phải theo sát mọi việc làm, hành động của trẻ là tốt. Chị Truyền ở Phong Điền có cậu con trai đang học lớp 8 chia sẻ: “Mỗi lần vợ chồng tôi nói tiếng to với cháu là cháu im lặng, quay mặt và bỏ đi. Từ đó, mỗi lần cháu mắc lỗi, chúng tôi nhẹ nhàng trò chuyện”. Giáo dục trẻ bằng tình thương là giáo dục bằng lời động viên, tâm tình, chia sẻ với trẻ. Hãy đi từ tâm lý lứa tuổi, đi từ tính cách và hoàn cảnh của từng em để có cách giáo dục phù hợp. Gần gũi, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con trẻ là một cách giáo dục con trẻ. Lấy tình thương để cảm hóa các em hư; lấy lời khuyên nhẹ nhàng, tinh tế để động viên, uốn nắn các em sẽ giúp các em có thêm niềm tin vững bước trong cuộc đời. Trong môi trường học đường, thầy cô giáo cần dành cho học sinh của mình những lời khen. Lời khen đúng lúc, đúng người sẽ có tác dụng khơi gợi, khích lệ, động viên tinh thần học tập và cả trong các hoạt động của các em. Cô giáo Xuân Giao ở Huế cho rằng, mỗi lần học sinh vi phạm, đừng vội vàng to tiếng trách mắng, hãy nhẹ nhàng nghe các con nói, chia sẻ và dành những lời khuyên chân thành nhất, chắc chắn các con sẽ nhận ra lỗi và tiến bộ lên từng ngày.
Đời sống kinh tế thị trường kéo nhiều người vào cơn lốc mải mê làm ăn và công việc, để mặc cho con tự nhiên trong mọi sinh hoạt mà thiếu sự quan tâm cần thiết. Cuộc khảo sát ở một địa phương thu được kết quả là có 600 bà mẹ dành cho con cao nhất là 2 giờ đồng hồ trong một ngày. Đó là con số đáng suy nghĩ. Ngoài một buổi đến trường, thời gian còn lại các em sinh hoạt với gia đình. Phong Hậu, học sinh lớp 9 ở Huế tâm sự: “Có chuyện muốn nói với ba, mẹ nhưng thật khó. Hiếm khi cả ba và mẹ cùng ăn một mâm cơm, đến khi bố mẹ về nhà thì đã muộn”…
Có một bài báo kể về cách làm việc của một giám thị tại một trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh với một sáng kiến hay là ghi tất cả số điện thoại của phụ huynh học sinh vào sổ, cứ mỗi buổi học, sau 15 phút điểm danh, ông giám thị lặng lẽ gọi cho phụ huynh có con vắng học… Với sự phối, kết hợp chặt chẽ này, chỉ trong một thời gian ngắn, trường học đó đã hạn chế đáng kể tình trạng học sinh vắng không phép…
Vậy đối với trẻ không được đến trường thì ai quan tâm? Lại một lần nữa phải xác định một vòng tròn khép kín mà gia đình là cái tâm, vòng bên ngoài là xã hội… Các em đang rất cần tình thương và trách nhiệm của gia đình, của xã hội, của bao người xung quanh.