Những trò chơi, trải nghiệm dân dã cùng những tràng cười sảng khoáichính là sức hút để kéo ngày càng nhiều người đến với chợ quê |
Đua ghe, đua trải chỉ là 1 lát cắt nhỏ của “Chợ quê ngày hội” hưởng ứng Festival Huế. Dẫu vậy, nhìn rộng ra, đây là hoạt động thu hút khách đông nhất, không chỉ so với các hoạt động trong khuôn khổ “Chợ quê ngày hội”, mà có thể so với bóng đá, vật… - những giải thể thao mà người tham dự được tính với con số hàng ngàn, chục ngàn.
Dù lần này không có đua ghe, đua trải như một số kỳ tổ chức trước đây, nhưng trong 4 ngày đêm diễn ra, “Chợ quê ngày hội” hưởng ứng Festival Huế 2024 thu hút trên 200 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế, tương đương với kỳ tổ chức năm 2022.
Với nhiều người, “Chợ quê ngày hội” quen thuộc đến nỗi, khi chưa chính thức khai mạc, “nhắm mắt” cũng biết sẽ có những hoạt động gì bởi đã nhiều lần tham dự. Nhưng dù vậy, lần nào diễn ra họ vẫn có mặt, thậm chí không phải 1 buổi, 1 ngày. Vậy điều gì khiến “Chợ quê ngày hội” vẫn hút khách dù “thân quen đến lạ”?
Nhìn từ bên ngoài, chương trình này “tới lui” cũng “chừng đó” hoạt động: văn nghệ, trải nghiệm, trò chơi dân gian, ẩm thực, mua bán nông sản… Vậy nhưng, chính cách tổ chức từ không gian “mở”, việc “giao quyền” cho người dân là chủ thể đến sự mộc mạc, tươi vui, gần gũi của các hoạt động, của những người tổ chức, tham gia đã khiến “Chợ quê ngày hội” luôn có một sức hút khó cưỡng, không chỉ đối với du khách mà ngay cả với người dân sở tại.
“Chợ quê chẳng lạ gì với tôi, hầu như lần nào tổ chức tôi cũng đều tham dự. Dù khung cảnh làng quê, các hoạt động trải nghiệm không nhiều thay đổi, dù các trò chơi, các món ăn chưa chuyên nghiệp, bắt mắt, hiện đại như ở các nhà hàng, khu vui chơi nhưng chính cái sự dân dã, hồn nhiên, gần gũi của người dân, của không gian nơi đây lại luôn thôi thúc không chỉ riêng tôi đến với chợ quê”, chị Nguyễn Thanh Mai (TP. Huế) cho hay.
Cũng từ “chất xúc tác” này, nên dù không đua ghe, đua trải nhưng lượng khách về với “Chợ quê ngày hội” hưởng ứng Festival Huế 2024 không sụt giảm so với lần tổ chức vào năm 2022. Điều này khiến nỗi âu lo của mấy gian hàng ẩm thực, buôn bán nông sản, OCOP… thoáng chốc tan biến khi ngay ở đêm đầu tiên, tầm khoảng 20h, nhiều gian hàng đã phải huy động người thân “chạy ngược chạy xuôi” bổ sung thêm hàng hóa, đồ ăn thức uống mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách ghé về chợ quê.
“Chợ quê ngày hội” cũng không hoàn toàn là nơi vui chơi, trải nghiệm khi có nhiều hoạt động mới được UBND TX. Hương Thủy lồng ghép đưa vào, như: Tổ chức 5 sàn giao dịch việc làm, tư vấn tuyển sinh học nghề, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giao lưu trình diễn hò bài chòi dành cho học sinh…
Theo lý giải của BTC, việc lồng ghép các hoạt động này mang nhiều mục đích, mà mục tiêu hướng tới là tăng thêm tính hiệu quả trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động… khi người có nhu cầu có thể vừa đi chơi, vừa tiếp cận gần hơn những thông tin, những cơ hội việc làm, học nghề, cũng như thông qua thực tiễn để thực hiện tốt việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật bài chòi; lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể trong giới trẻ trên địa bàn TX. Hương Thủy nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
“Chợ quê ngày hội” đã làm tốt vai trò là nơi hội tụ, giao lưu và liên kết các hoạt động văn hóa, du lịch, kinh tế, cũng như tạo điều kiện gặp gỡ giữa các tổ chức, đơn vị, địa phương, người dân trong và ngoài địa phương. Đây là cơ sở để lan tỏa rộng hơn những nét đặc sắc của đất và người Thủy Thanh nói riêng, Hương Thủy nói chung, qua đó có động lực phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, bà Ngô Thị Ái Hương – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho hay.