Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương phân tích kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều chỉ tiêu KT-XH của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP ước đạt 19.599 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ; xếp thứ 10/14 các tỉnh/thành Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, xếp thứ 36/63 tỉnh/thành cả nước. Quy mô nền kinh tế 37.935 tỷ đồng; trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng khá với mức tăng gần 7%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,2%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng gần 3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,5%…Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 6.001 tỷ đồng, bằng 51% dự toán, bằng 44% so với chỉ tiêu phấn đấu và tăng 21% so với cùng kỳ. 

Phân tích về những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho rằng, trong quý II tăng trưởng kinh tế đạt gần 8% cho thấy nỗ lực cao của tỉnh, do vậy con số bình quân 6,01% trong 6 tháng đầu năm vượt trung bình chung của cả nước. Dịch vụ đóng góp 50% tăng trưởng, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ tiêu vẫn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công. Để hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đề nghị các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư lưu ý về triển khai giá đất mới và thực hiện các chính sách chống thất thu thuế.

Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật tham gia thảo luận 

Liên quan đến thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui thông tin, quá trình kêu gọi đầu tư thời gian qua của tỉnh đã có nhiều kết quả. Đặc biệt tại các Khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn, các nhà đầu tư hạ tầng đã đầu tư hoàn chỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án mới hoàn thành đã tạo thêm năng lực mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Tuy nhiên, một số dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục nên chưa đi vào hoạt động; khó khăn trên lĩnh vực bất động sản, hoạt động xây dựng cần được các ngành, địa phương tháo gỡ.

Đối với  lĩnh vực giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân cho rằng, thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chất lượng giáo dục trên địa bàn bàn đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Tuy nhiên, một số khó khăn của ngành cần giải quyết là vấn đề mở rộng mạng lưới trường lớp để đáp ứng nhu cầu hiện nay, nhất là có sự điều tiết để giảm áp lực cho các trường trung tâm thành phố đối với bậc trung học cơ sở , THPT trên địa bàn TP. Huế để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sau khi mở rộng địa giới hành chính TP. Huế.

Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục, Chủ tịch UBND Thành phố Huế Võ Lê Nhật đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư các trường học để đảm bảo hạ tầng phát triển trong  giai đoạn mới.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận 

Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tiếp thu những ý kiến phát biểu, góp ý, phân tích đã làm rõ thêm tình hình về những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024; nhiều ý kiến đã tập trung vào những vấn đề mà xã hội, cử tri toàn tỉnh quan tâm. 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, thời gian tới, tỉnh sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I và Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập trung các giải pháp hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024 ở mức cao nhất; tăng cường công tác quản lý, khai thác tốt các nguồn thu; chỉ đạo các địa phương, ban ngành có giải pháp đồng bộ quyết liệt trong công tác thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% vốn ngân sách nhà nước được giao theo kế hoạch. 

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, hiệu quả; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ; quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy về quốc phòng an ninh trong tình hình mới, chủ động nắm chắc và xử lý tốt các vụ việc về an ninh, trật tự từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm về văn hóa, thể thao và du lịch…

Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển các ngành địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu 6 tháng cuối năm thu hút thêm 7 - 10 dự án công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng, nông sản và một số dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng. 

LÊ THỌ - PHAN THÀNH