Mãi cho đến một ngày, tự nhiên thấy o xuất hiện, cả nhà vỡ òa niềm vui đoàn viên. O tôi lúc đó kinh tế cũng chẳng lấy gì làm khấm khá, nhưng phương tiện đi lại đã không còn quá bí bách, cơm áo cũng không còn là nỗi lo thường nhật, nên o lên đường về cố hương, tìm để kết nối lại với những người thân ruột.
Bản Đôn, Đắc Lắc- Một thời nổi tiếng với dịch vụ cưỡi voi. Nay dịch vụ này đã chấm dứt để bảo vệ đàn voi nhà đang ngày mỗi ít dần. |
Sau bận ấy, cứ một vài năm, khi thì o, khi thì dượng, khi thì mấy người con thay nhau về Huế vào những dịp giỗ, chạp. Chủ yếu là từ phía o về, còn chúng tôi thì thú thật là cũng hiếm khi ngược lên Buôn Mê “đáp lễ”. Mà nghĩ cũng phải thôi, bởi từ o về thì thuận, vì mỗi lần như thế là được “phối hợp” đủ thứ, giỗ chạp, rồi thăm nội, thăm ngoại, thăm quê chồng, quê vợ, thăm các gia đình sui gia của o dượng… Còn chúng tôi nếu lên thì cũng chỉ thăm có mỗi gia đình o, cho nên cũng lười...
Dượng mất, gia đình tôi không nhận được tin nên không có ai lên viếng. Điều đó cứ làm anh em chúng tôi ray rứt, áy náy mãi. Ray rứt với hương linh dượng một, ray rứt với o gấp bội. Cứ sợ o nghĩ này nghĩ nọ, rồi buồn thì tội. Vậy nên anh em tôi hẹn nhau năm nay ngày giỗ của dượng, làm gì thì làm cũng cố mà sắp xếp thời gian để lên thắp hương cho dượng, và cũng là để tạ tội với o.
Một lần ghé Tây Nguyên. |
Nghe anh em tôi lên, con cháu o lập tức tập hợp đông đủ, kể cả mấy anh chị đang làm ăn cách nhà cả trăm cây số cũng bắt xe về liền khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Vừa cảm động vừa… chóng mặt, bởi chỉ nội thân gia đình o thôi mà dân số đã vượt trên 120 người! Hậu duệ của o đã đến đời thứ 5. Điều đặc biệt là cháu con chắt chút cả đoàn như thế, rất nhiều người còn chưa biết Huế là đâu, vậy nhưng, trừ những ông rể, bà dâu là người miền trong, còn tất cả đều nói giọng Huế rặt. Cho nên đang Buôn Mê mà chúng tôi cứ có cảm giác mình đang ở đâu đó giữa đất Huế. Cảm giác rất xuyến xao, xúc động.
Ngày giỗ dượng, dù dịch vụ ở Đạt Lý cũng không thiếu thứ gì, nhưng thấy con cháu xúm vào mỗi người mỗi tay, đàn ông thanh niên thì làm gà làm vịt, mấy chị con gái, cháu dâu thì nhặt rau, nấu bếp… Mâm cỗ dâng cúng toàn là món Huế. Người con trưởng của o thấy tôi có vẻ hơi ngạc nhiên liền bảo: O của cậu là vậy, kỵ giỗ là phải một tay bà ấy ra chợ, chọn bông ba hoa quả, chỉ đạo mua món này, nấu món kia, cứ vậy, con cháu răm rắp mà thi hành. Hàng chục năm nay rồi vẫn thế. Cho nên cậu thấy, toàn là món Huế xưa, anh em con cháu quây quần mỗi người mỗi tay, vừa làm việc vừa chuyện trò, vui vẻ ấm cúng. Mà cũng là để cho tụi nhỏ nó biết nếp nhà của người Huế mình, món ăn của người Huế mình, không thì dần dà mất cả...
Niềm vui đoàn viên bên mâm cỗ do con cháu o tôi tự chế biến. |
Tâm sự của anh khiến tôi giật mình. Thì ra cách giữ gìn, cách truyền trao tình yêu Huế, văn hóa Huế có khi chỉ lặng lẽ, giản đơn thế trong từng gia đình. Vậy mà bây giờ, ngay tại đất Huế, kiểu trao truyền ấy đang có vẻ vắng dần trong mỗi nếp nhà. Tất cả đều nhờ dịch vụ, tiện và khỏe thật đấy, nhưng hay ho thì xem chừng chưa hẳn. Anh gắp cho tôi miếng ram được cuốn bằng bánh tráng mè, phải rất lâu lắm tôi mới lại bắt gặp món ăn này trên mâm giỗ. Miếng ram giòn tan và cứ ngọt hoài nơi đầu lưỡi…