Cùng với phong trào Xanh sạch sáng, thời gian qua, việc xây dựng, bố trí các công trình vệ sinh công cộng cao cấp, sạch sẽ phục vụ miễn phí du khách và dân chúng được tỉnh, thành phố rất quan tâm |
Có việc gia đình, cuối tuần qua tôi khoác ba lô về Bến xe phía Nam (BXPN) để lên xe vào Đắc Lắc. Tính hay lo xa khiến tôi sắp xếp đến sớm trước giờ khởi hành nửa tiếng, nhưng do trở ngại sao đó, cả tiếng sau xe mới rục rịch nổ máy. Chưa biết chạy bao lâu mới được dừng giải lao, mà mình thì đã lớn tuổi, gan thận không còn ngon lành như thời trai trẻ nữa nên tôi tranh thủ đi “giải” phát cho thoải mái trước khi xe chạy.
Sau khi hỏi và “định vị” được nơi đặt WC của bến xe, tôi tự tin tiến đến; nói tự tin là bởi trước đây, khi đến các WC công cộng, nhất là ở bến xe, bến tàu là cả một sự cực chẳng đã, kẹt quá mới đáo chứ chẳng ai muốn, bởi nó quá… khủng khiếp vì sự mất vệ sinh tự thân, nhưng bây giờ, chắc chắn là phải khác chứ. Nhất là bến xe của Huế, địa phương nổi tiếng với phong trào xanh sạch sáng, với Ngày chủ nhật xanh, với 60 phút sạch nhà đẹp ngõ, với quyết tâm hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương…
Cả một dãy bồn tiểu đều không có nước xả; tường và nền nhà loang lổ, hôi hám. |
Vậy nhưng, trái với những gì tôi hy vọng, khu vệ sinh này của BXPN lại đang hết sức…mất vệ sinh. Chưa vào đã nồng nặc mùi khai. Tìm một cái bồn tiểu cho tươm tươm chút để dễ giải quyết bầu tâm sự thì không cái nào có nước xả; không dám “khám phá”, nhưng như thế cũng đủ suy ra, “tiểu” đã vậy thì “đại” sẽ còn tệ hại hơn là cái chắc. Quay ra, định rửa đôi tay thì nhìn cái lavabo mà phát… ọe. Nó loang lổ, đóng khớm, cho thấy rất lâu rồi không ai vệ sinh cọ rửa gì. Trước khi rời đi, việc không được quên là rút 3.000đ để trả phí cho một người phụ nữ vừa ngồi “gác cổng” thu vừa lướt điện thoại. 3.000đ ấy được biết là để bù cho điện nước và công dọn vệ sinh, thu không sót nhưng có dọn vệ sinh hay không thì không ai dám chắc…
Và những chiếc lavabo nhìn qua đã đủ nản! |
Câu chuyện nhà vệ sinh mất vệ sinh ở BXPN (và cả BX phía Bắc) đã từng được phản ánh lên Hue- S và một số phương tiện truyền thông; cũng từng được đơn vị quản lí giải trình, rút kinh nghiệm. Nhưng những gì tôi được mục sở thị, cho thấy mọi thứ có vẻ đều “vũ như cẩn” (!)
Bến xe là nơi đón và tiễn khách, là cửa ngõ của tỉnh và thành phố, lẽ ra nó phải được quan tâm chăm sóc đàng hoàng, chỉn chu trước tiên, ít nhất là ở các “công trình phụ” mà thực tế là “công trình chính” bởi công năng thiết yếu và tầng suất sử dụng chúng. Một đô thị xanh, đô thị du lịch; một đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa trên nền tảng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường không thể chấp nhận những công trình vệ sinh quá kém cỏi như vậy ngay tại cửa ngõ của mình. Cho nên, đã đến lúc các đơn vị quản lí và ngành GTVT cần phải có ứng xử phù hợp, kiên quyết với vấn đề này.