Học viên cai nghiện tham gia các hoạt động thể dục thể thao tại Trung tâm

Được giáo dục, cai nghiện và học nghề

Có quyết định của tòa án, Hồ Công V., ở TP. Huế được đưa vào cai nghiện theo diện bắt buộc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh trong thời gian 12 tháng. Từ gần 1 tháng nay, nhờ được tập luyện thể dục thể thao, có chế độ sinh hoạt, ăn uống, làm nghề... đúng giờ giấc quy định nên tinh thần V. đã ổn định. V. chia sẻ: "Vào đây em được trung tâm giáo dục, sinh hoạt có nề nếp, anh em hòa đồng, hỗ trợ lẫn nhau, nên chỉ sau chưa tới nửa tháng đã cắt được cơn nghiện dứt điểm. Hiện tại, em không còn triệu chứng thèm thuốc, sức khỏe, tinh thần ổn định hơn nhiều".

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (gọi tắt Trung tâm), trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hiện đang tiếp nhận quản lý 58 học viên cai nghiện ma túy bắt buộc. Thời hạn chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc của các học viên từ 12 đến 24 tháng, tùy đối tượng. Tại đây, học viên cai nghiện ma túy được dạy văn hóa và kỹ năng sống. Trung tâm duy trì và hướng dẫn học viên cai nghiện tập phục hồi chức năng, tham gia thư viện đọc sách báo, tổ chức sinh hoạt và luyện tập thể dục thể thao tại các khu vực theo kế hoạch. Việc tổ chức hoạt động văn thể mỹ hàng tháng tại Trung tâm còn tạo không khí tươi vui, phấn khởi giúp học viên cai nghiện ma túy cải thiện tinh thần, nghị lực, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Hà Phước Ch., ở Hương Chữ, TX. Hương Trà vào trung tâm cai nghiện bắt buộc được 9 tháng, còn 6 tháng nữa là anh được trở về với gia đình, xã hội. Do sử dụng ma túy tổng hợp trong thời gian khá dài, nên anh Ch. phải mất gần 6 tháng trời để cắt cơn, bình ổn sức khỏe, tâm thần. Hơn 1 tháng nay, nhờ theo học lớp may sơ cấp, anh đã may được một số sản phẩm đơn giản như dây buộc tóc, ráp áo ba lỗ, sơ mi... Sau mấy năm "thân tàn ma dại", lần này, được học thạo nghề may và được tư vấn hướng nghiệp tái hòa nhập cộng đồng, anh Ch. quyết tâm sau khi ra khỏi Trung tâm sẽ xin vào làm tại công ty may mặc trên địa bàn để có thu nhập ổn định, hoàn lương tốt.

 Học viên cai nghiện ma túy bắt buộc tham gia làm nghề để cải thiện sức khỏe, tư tưởng và thu nhập

"Quá tải" tiếp nhận người cai nghiện

Theo ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm, diện tích khu cai nghiện bắt buộc chỉ có sức chứa khoảng 40 người, nhưng do số người nghiện ngoài xã hội tăng nên buộc Trung tâm phải tiếp nhận lên con số 58 học viên. Ông Bình chia sẻ thêm, số tiếp nhận này mới chỉ là những đối tượng bắt buộc. Còn những trường hợp liên hệ đến Trung tâm dù rất "tha thiết" xin cho con em họ được vào cai nghiện tự nguyện, nhưng buộc lòng đơn vị phải từ chối tiếp nhận vì không có đủ cơ sở vật chất.

Theo con số Trung tâm nắm được, hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 20 người nghiện ma túy đã có quyết định của tòa án phải chấp hành cai nghiện bắt buộc, nhưng Trung tâm chưa thể tiếp nhận được. Ngoài ra, có hơn 10 trường hợp liên hệ đến Trung tâm đăng ký cai nghiện theo diện tự nguyện. Đây chỉ là số thống kê chưa đầy đủ về "con nghiện" đang ở bên ngoài xã hội, chưa được quản lý, giáo dục, cai nghiện. Điều này đang gây lo lắng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, đời sống xã hội và nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy rất khó lường khi những đối tượng cai nghiện bắt buộc cũng như tự nguyện chưa được đưa vào "khuôn phép".

Nguyễn Văn L., quê ở A Lưới đã vào Trung tâm cai nghiện hơn 14 tháng (thời hạn chấp hành cai nghiện bắt buộc là 24 tháng) nhưng tâm thần, tư tưởng vẫn chưa ổn định. Thời gian mới vào, tinh thần L. luôn bất ổn, hoang tưởng, phải được điều trị theo phác đồ bệnh viện tâm thần. Bản thân L. hy vọng, thời gian tới, cùng với chế độ sinh hoạt, lao động, giáo dục, chăm sóc của Trung tâm cộng thêm nghị lực, ý chí, tư tưởng tích cực, lạc quan... để sớm ổn định tinh thần, tái hòa nhập cộng đồng.

Chung tay quản lý sau cai nghiện

Bắt đầu sa vào con đường ma túy từ năm 19 tuổi, Đinh Văn T., quê ở TX. Hương Thủy ra vào Trung tâm cai nghiện ngót nghét đã 4 lần. Vào trại hơn 5 tháng, T. đã cắt cơn hoàn toàn. T. kể, mấy ngày đầu mới vào còn vật vã, nhờ các anh cho thuốc uống, tập thể dục, làm nghề..., nên tinh thần hiện đã ổn định. "Nhờ được Trung tâm cho học nghề cơ khí 3 tháng, nên khi ra ngoài, em quyết tâm từ bỏ ma túy, tìm kiếm việc làm để hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời".

Theo chia sẻ của một giám thị quản lý khu vực cai nghiện, đa phần các học viên khi vào trung tâm đều chấp hành nghiêm túc các quy định, nội quy và có ý thức, tinh thần tự cai nghiện tốt. Lúc mãn hạn, ra khỏi Trung tâm để hòa nhập cộng đồng, 100% học viên đều đảm bảo tốt về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, vẫn chưa dám chắc kết quả sau cai nghiện vì đã có một số trường hợp quay lại Trung tâm lần 3, lần 4. Nên để công tác quản lý cai nghiện ma túy thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều phía, nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài ý chí, quyết tâm của người trong cuộc, gia đình, còn cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội để tránh tình trạng tái nghiện.

Bên cạnh một số vào lại trung tâm cai nghiện trên 1 lần, có nhiều trường hợp sau cai nghiện đã hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng tốt. Anh Nguyễn Đức T., ở Lộc Bổn, Phú Lộc giờ đã cai nghiện thành công và có công việc ổn định tại Lào. Anh Trần M., ở Bình Thành, TX. Hương Trà hiện cũng đang lao động tại Malaysia. Hay anh Bùi Văn T. ở Phú Lộc, anh Lê Văn T. ở TX. Hương Thủy hiện đang làm việc ổn định tại Nhà máy Bia Huda Huế và công ty dệt may ở Khu công nghiệp Phú Bài.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG