Cùng con chọn trường. Ảnh: Ngọc Hòa

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, chúng tôi từng chứng kiến nhiều em thi lại đại học mặc dù đã lên giảng đường nhưng cảm thấy chán nản, không đúng đam mê. Có tình trạng này do phụ huynh muốn con phải vào bằng được ngôi trường danh tiếng để "nở mày, nở mặt", sau này ra trường làm công việc mà trước đây bố mẹ không đạt được. Trong khi có em lại muốn chọn ngành khác, cơ hội việc làm không nhiều...  Em Nguyễn Hải Anh, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng bộc bạch: "Năm trước, ba mẹ muốn em học về kinh doanh quốc tế để có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập ổn định. Em học được 1 năm thấy không phù hợp nên năm nay em đăng ký vào Trường Bách khoa Đà Nẵng, Khoa Công nghệ thông tin".

Nhớ thời điểm các em chuẩn bị nộp học bạ để xét tuyển ngành học, nhiều tổ tư vấn tâm lý cho học sinh ở các trường phổ thông phải liên tục tư vấn khi nhiều em băn khoăn nên chọn ngành theo sở trường, đam mê, hay chọn theo định hướng của cha mẹ. Không ít gia đình vì chọn ngành cho con theo học mà gia đình bất hòa. Nhiều em có tâm trạng chán chường khi cha mẹ cứ muốn con học những ngành học đang "hot" ở thị trường lao động. Kỳ vọng quá lớn sẽ tiềm ẩn nhiều “tác dụng phụ”. Đã có không ít trường hợp học sinh bị trầm cảm, lựa chọn cách tiêu cực để giải quyết những áp lực từ học tập. Đó cũng là hồi chuông cảnh báo để các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tâm, sinh lý ở các lứa tuổi để đồng hành, chia sẻ cùng các em thay vì áp đặt quá mức.

"Theo chương trình giáo dục mới, định hướng giáo dục là phát huy khả năng tiềm ẩn của học sinh, các em tự quyết định tương lai. Vì vậy, phụ huynh nên trở thành “người bạn” đồng hành của con, dành thời gian lắng nghe con để có thể định hướng và thấu hiểu con nhiều hơn. Thay vì tâm lý đám đông, chạy đua cho con vào trường này, trường kia, hãy để con lựa chọn ngôi trường mà các em thấy phù hợp nhất. Khi có sự khác biệt lựa chọn ngành nghề tuyển sinh, phụ huynh đừng giải quyết ngay lập tức trong một lần. Nếu chưa có đủ luận cứ để thuyết phục con, cha mẹ nên lắng nghe con, không ép buộc từ sự chủ quan của mình", thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học bày tỏ.

Còn nhớ năm trước câu chuyện của cô bé học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ có số điểm cao ngất đỗ vào Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh khiến mọi người người cảm phục. Năm lớp 12 em nổi loạn, không muốn học, thích chọn những ngành nghề theo số đông. Mẹ em vẫn kiên trì không tạo áp lực, không ép em học tập quá sức, thay vào đó, mẹ định hướng và giải thích để con có sự lựa chọn phù hợp hơn. Chính sự đồng hành, giáo dục nhẹ nhàng, hướng dẫn của người mẹ khiến cô bé không đi sai đường và đã giúp em thay đổi quyết định trong việc chọn ngành, chọn trường phù hợp.

Mỗi cấp học, dù là học sinh đầu vào hay cuối cấp đều sẽ có những áp lực riêng. Thấu hiểu, đồng cảm và trở thành người bạn của con sẽ khiến các em có chỗ dựa tinh thần, từ đó con sẽ có điểm tựa để vươn xa hơn. Hãy để các em được quyết định tương lai, nghề nghiệp bằng chính năng lực, khả năng vốn có và niềm đam mê, mơ ước từ chính các em.

An Nhiên