Phó Giáo sư Piotr Tsvetov, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga-Việt: Mặt trận đặc biệt của cuộc đấu tranh ngoại giao
Hội nghị Geneva năm 1954 có ý nghĩa lịch sử to lớn, chấm dứt cuộc chiến tranh trên bán đảo Đông Dương do thực dân Pháp khởi xướng và tiến hành, đồng thời mở ra một chương mới thúc đẩy sự phát triển độc lập của dân tộc Việt Nam.
Hội nghị Geneva xác định tương lai Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất. Theo đó, theo kế hoạch sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956, để từ đây thông qua quyết định hệ thống chính trị của nước Việt Nam thống nhất.
Theo quyết định của Hội nghị Geneva, thực dân Pháp buộc phải rời khỏi bán đảo Đông Dương. Đây là một trong những biểu hiện cho thấy sự sụp đổ trong chính sách của chủ nghĩa thực dân phương Tây và là biểu tượng thắng lợi của các lực lượng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Đây là chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam, là chiến thắng trên cả bình diện về chính trị và quân sự. Những kết quả đạt được tại hội nghị đồng nghĩa với việc toàn thể cộng đồng thế giới công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Chính sự tham gia của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong hội nghị cùng phái đoàn các nước khác như Liên Xô (trước đây), Mỹ, Anh, Pháp cho thấy, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một chủ thể bình đẳng trong nền chính trị thế giới lúc đó.
Hội nghị Geneva xác định tương lai Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất. Theo đó, theo kế hoạch sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956, để từ đây thông qua quyết định hệ thống chính trị của nước Việt Nam thống nhất.
Tuy nhiên, lịch sử đã rẽ sang một hướng khác do Mỹ tiến hành cuộc xâm lược chống lại nhân dân Đông Dương. Trải qua bao gian khổ đấu tranh và hy sinh, đến năm 1975 Việt Nam đã thống nhất đất nước.
Trong suốt những năm Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, với tư cách là đồng Chủ tịch Hội nghị Geneva, Liên Xô đã yêu cầu chính quyền Mỹ thực hiện các cam kết tại Hiệp định Geneva. Đây là mặt trận đặc biệt của cuộc đấu tranh ngoại giao. Qua Hội nghị Geneva, giữa các nhà ngoại giao Liên Xô và Việt Nam phát triển quan hệ đặc biệt.
Tại Geneva, các phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô đã phối hợp chặt chẽ, ủng hộ quan điểm của nhau và tổ chức tham vấn lẫn nhau. Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa các nhà ngoại giao Việt Nam và Nga trên bình diện quốc tế vẫn luôn tồn tại.
Tại nước Nga ngày nay, Hội nghị Geneva vẫn luôn được nhắc đến. Các nhà sử học Nga vẫn tiếp tục nghiên cứu những bài học sâu sắc của hội nghị. Năm 2017, tại thủ đô Moskva đã xuất bản một bộ sưu tập lớn các tài liệu từ Hội nghị Geneva. Bộ sưu tập này bao gồm các tài liệu chưa được công bố trước đây từ các kho lưu trữ của Liên bang Nga và Việt Nam.
Ông Alain Ruscio, nhà sử học người Pháp: Nguồn cảm hứng và cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc
Qua quá trình đàm phán, rồi tới ký kết Hiệp định Geneva, Việt Nam đã thể hiện tâm thế và bản lĩnh ngoại giao mềm dẻo, uyển chuyển và kiên định của đất nước yêu chuộng hòa bình và có lịch sử nghìn năm giữ nước hào hùng.
Ngày 25/7/1954, hòa chung niềm phấn khởi vô cùng của những người yêu chuộng hòa bình và ủng hộ Việt Nam hết lòng ở Pháp và trên thế giới, báo Nhân đạo (Đảng Cộng sản Pháp) có bài xã luận nêu rõ: Chúng ta, những người cộng sản cảm thấy hạnh phúc từ trong sâu thẳm tâm can. Hàng triệu người đã cùng xây đắp ý chí, không chùn bước trong phong trào đấu tranh chống cuộc chiến phi nghĩa.
Và kết quả là ngay lúc này, chúng ta đang sống trong những khoảnh khắc hòa bình. Hẳn những chiến sĩ như Léo Figuères, Henri Martin và Raymonde Dien vui sướng gấp bội vì đã không ngại hiểm nguy đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Tất cả chúng ta đều chung một niềm hạnh phúc. Hòa bình muôn năm!
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thananan Boonwanna, nhà nghiên cứu lịch sử người Thái Lan: Mở ra trang mới trong lịch sử
Việc ký kết Hiệp định Geneva đã mở ra một trang mới trong lịch sử Việt Nam. Trong bối cảnh cục diện thế giới lúc đó rất phức tạp, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối mặt nhiều thách thức và rất cần sự công nhận của các cường quốc trên thế giới. Việc đại diện của Việt Nam đã khéo léo trong đàm phán, đạt được Hiệp định Geneva là một thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao. Thực tế là với Hiệp định sơ bộ năm 1946, Pháp vẫn cho rằng Việt Nam nằm trong khối Liên hiệp Pháp, nhưng đến Hiệp định Geneva năm 1954, Việt Nam đã chiến thắng Pháp.
Tình hình thế giới và khu vực lúc đó rất phức tạp. Các nước lớn với những lợi ích đan xen đều cố gắng gây ảnh hưởng tại Đông Nam Á vì những lợi ích riêng của mình. Tuy nhiên, cùng với Hiệp định Geneva và trước đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên, sau gần 100 năm đô hộ Việt Nam, Pháp đã phải chấp nhận đình chiến, rút quân khỏi ba nước Đông Dương và cùng các nước tham dự Hội nghị Geneva chính thức thừa nhận quyền cơ bản của một đất nước là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Việt Nam đã biết vận dụng tất cả mọi nguồn lực để có thể đạt được mục đích đề ra. Việt Nam tuy là một nước nhỏ, dân số ít, không có nhiều nguồn lực về vũ khí, trang thiết bị... nhưng đã có thể thắng được một cường quốc là nước Pháp. Việt Nam đã chờ đợi thời điểm này rất lâu. Người dân Việt Nam đều tự hào đây là một thắng lợi thật sự, mang đến một nền độc lập toàn vẹn.
Việt Nam đã vươn mình trở thành một nước đứng đầu trong việc chống lại ách đô hộ, thống trị của thực dân Pháp và các thế lực ngoại bang. Không thể phủ nhận rằng, lúc đó, Việt Nam trở thành một hình mẫu của các nước nhỏ, dựa vào tiềm lực sẵn có, cùng với các chiến lược và kinh nghiệm trong các cuộc đấu tranh để thực hiện mục tiêu giải phóng và đưa đất nước đi lên.
Những bài học kinh nghiệm trong đàm phán để dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva cho thấy, với ý chí đấu tranh giành độc lập, Việt Nam thật mạnh mẽ vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, kiên định những nguyên tắc lợi ích dân tộc, giúp đỡ các nước láng giềng và linh hoạt trong các chính sách ngoại giao. Đến nay, Việt Nam đã có mối quan hệ rất tốt với các cường quốc, đó chính là minh chứng cho tính đúng đắn của chính sách ngoại giao “cây tre Việt Nam”.