Các máy bay đỗ tại sân bay Luton, Vương quốc Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Được biết, Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough thường là nền tảng để các nhà sản xuất máy bay ký kết những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD. Nhưng 2 năm sau đại dịch, các giám đốc điều hành các hãng hàng không đang cho thấy sự thất vọng, vì phải chờ đợi lâu để có máy bay mới, sự cố chuỗi cung ứng, và thiếu phụ tùng thay thế.

Theo dữ liệu từ Công ty phân tích hàng không Cirium và Công ty tư vấn và dữ liệu hàng không IBA, những hạn chế về sản xuất không chỉ là vấn đề đối với hai nhà sản xuất máy bay lớn và khách hàng hàng không, việc thiếu năng lực cũng có thể ảnh hưởng đến hành khách, dẫn đến ít chuyến bay và đường bay hơn, cũng như giá vé cao hơn. Đồng thời, Airbus và Boeing tiếp tục nhận các đơn đặt hàng mới khi một số hãng hàng không đặt cược  lớn vào nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong thập kỷ tới, điều này đồng nghĩa rằng, số lượng đơn đặt hàng đang tăng vọt ngay cả khi sản xuất vẫn chậm.

Sự thiếu hụt các máy bay mới và hiệu quả hơn, tiêu tốn ít nhiên liệu hơn cũng đang hạn chế nghiêm trọng khả năng cắt giảm khí thải của ngành hàng không và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Khi các máy bay mới hơn không được đưa vào sử dụng như mong đợi, con đường hướng tới cắt giảm lượng khí thải carbon đã bị chậm lại. Trong năm 2024, lượng khí thải CO2 của ngành hàng không toàn cầu được dự báo sẽ vượt mức từng được ghi nhận trong năm 2019.

Ông Rob Morris, người đứng đầu bộ phận tư vấn toàn cầu tại hãng tư vấn Cirium Ascend cho hay: “Những chiếc máy bay này không thể tồn tại mãi, thải ra lượng CO2 nhiều hơn từ 15 - 20% so với những chiếc máy bay thay thế theo kế hoạch”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Bloomberg & The Business Times)