Xe ô tô chở đất, đá trên đường Võ Văn Kiệt gây ra tình trạng đường sá bị đất bụi bám, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: MINH ANH |
Những ngày này, người dân sống dọc đường Kinh Dương Vương và Nguyễn Văn Tuyết, phường Thuận An, TP. Huế bức xúc trước vấn nạn ô nhiễm bụi than trầm trọng. Đoạn đường từ Cảng Thuận An lên tới Trường THPT Thuận An luôn đóng một mảng than đen sì, bụi mù bay lơ lửng trong không khí. Nhiều ngôi nhà xuất hiện hiện tượng bụi than bám vào cửa, tường. Bụi than xuất hiện ở khu vực này rơi vãi từ các phương tiện ô tô nối đuôi nhau chở than từ Cảng Thuận An lên các nhà máy.
Cũng trên tuyến đường Kinh Dương Vương đoạn gần trụ sở UBND phường Thuận An, nhiều tháng nay người dân cũng bức xúc trước tình trạng xe thi công công trường xây dựng khu tái định cư B5 gây bụi bẩn. Tại đoạn đường này một lớp đất nhão nhoẹt sau khi được tưới nước đóng thành lớp dày, kéo dài hàng trăm mét theo chiều từ biển Thuận An lên trung tâm TP. Huế.
Tại đường Võ Văn Kiệt, phường Thủy Vân, thường tập trung nhiều công trường xây dựng, hằng ngày có hàng ngàn lượt xe ô tô lớn chở đất, đá tới san lấp nền nên cũng gây ra tình trạng đường sá bị đất bụi bám, gây ÔNMT, ảnh hưởng đến sức khỏe người đi đường.
Đó là một số điểm công trường, bến cảng mà chúng tôi liệt kê. Thực tế thì chỗ nào có công trường, có mỏ cung cấp vật liệu xây dựng, san lấp là những khu vực dân cư xung quanh, đường sá thường phải sống trong môi trường ô nhiễm do bụi mịn gây ra. Điều này gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân nơi đó cũng như của người tham gia giao thông.
Theo quy định, các chủ kho hàng, bến cảng, chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình đều phải thực hiện biện pháp chống bụi. Đó là điều bắt buộc trong các gói thầu thi công dự án cũng như vận hành kho bãi, bến cảng. Thông thường, biện pháp chủ yếu của họ là sử dụng xe bồn chứa nước để tưới đường ở đoạn phương tiện chở hàng cho mình hoạt động, nhằm hạn chế bụi bay vào không khí.
Biện pháp này xem ra có hiệu quả chống bụi bay vào không khí vào thời điểm tưới. Tuy nhiên, nó không phải là biện pháp hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm này. Việc tưới nước làm đường bị ướt, bùn đất nhão nhoẹt, bẩn thỉu đóng đặc trên mặt đường, điều này còn tạo ra sự nguy hiểm cho người tham gia giao thông vì dễ trơn trượt.
Việc tưới nước chỉ được thực hiện chủ yếu vào ban ngày, khi có xe chở hàng của công trường, bến cảng, kho bãi hoạt động. Còn lúc đội xe nghỉ thì việc tưới nước cũng dừng theo. Các tuyến đường này hầu như không có hệ thống cống thu gom nước nên lượng đất, than vẫn cứ nằm trên đường. Vì vậy, khi dừng tưới nước thì bùn đất khô lại, phương tiện lưu thông khiến bụi cuộn vào không khí và gây ô nhiễm. Người đi đường, người dân ở xung quân vẫn là nạn nhân.
Ngoài việc tưới nước thường xuyên, mỗi ngày Công ty CP Cảng Thuận An và một số đơn vị thi công các công trường cũng huy động lực lượng công nhân, phương tiện, tiến hành xúc dọn, thu gom lượng than, bụi đất đóng trên mặt đường; tuy nhiên, vẫn không thể xử lý triệt để bụi.
Để hạn chế tối đa vấn nạn bụi tại những khu vực này, theo chúng tôi các chủ đầu tư, đơn vị thi công, chủ kho hàng, bến bãi phải thực hiện lắp đặt hệ thống xịt rửa với công suất lớn; buộc các phương tiện chở hàng phải xịt rửa xe cộ thật sạch sẽ, đặc biệt ở các vị trí lốp và hốc bánh xe để tránh “tha” đất, than ra đường.
Mặt khác, các đơn vị vận tải, kho hàng, bến bãi phải chấp hành nghiêm việc chở đúng tải trọng, không được chở hàng vượt quá kích thước thành thùng hàng; phải được che đậy kỹ càng trước khi rời bến bãi để tránh rơi vãi.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định rõ phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Ngày 6/2/2018, Bộ Xây dựng đã có Thông tư Quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường ở khu vực công trường. Phải có biện pháp bảo vệ môi trường được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; phải có cán bộ chuyên trách theo dõi việc này và có báo cáo thường xuyên.
Nắng nóng kèm môi trường không khí bị ô nhiễm do bụi bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe khiến người dân bức xúc là đúng. Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý quyết liệt để hạn chế tình trạng ÔNMT ở các khu vực mỏ khai thác, công trường, bến bãi.