Ngày thống nhất, chúng tôi về các anh ở lại

Mãi mãi cùng người Hương Chữ...

Cứ mỗi dịp tháng 7 đến, ký ức về những ngày chiến đấu tại mảnh đất Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế lại ùa về, ký ức đó như được thắp lên khi các đồng chí của Tiểu đoàn 8 Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa được trở lại chiến trường xưa với tâm trạng hạnh phúc xen lẫn nỗi bùi ngùi, thương nhớ, đặc biệt được chính mình thắp nên những nén hương thơm để cùng tâm sự với những đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trong trận đánh tại Quê Chữ, năm 1968.

 Bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại làng Quê Chữ. Ảnh: D. Trương

Cách đây 56 năm, Tiểu đoàn Ba Đình Nga Sơn - Thanh Hóa (còn gọi Tiểu đoàn 8) thuộc Phân khu Trị - Thiên Huế đã kiên cường chiến đấu đánh trả nhiều cuộc phản kích của kẻ thù ngay trên mảnh đất Quê Chữ và cũng tại đây hơn 100 chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có 46 chiến sĩ là người con quê hương Nga Sơn. Họ đều là những thanh niên với tuổi đời còn rất trẻ. Được lệnh tăng cường lực lượng cho chiến trường Trị - Thiên Huế, trong tiết xuân ấm áp, vào ngày 6/12/1967 những người con của quê hương huyện Nga Sơn với khí thế tiến lên, cán bộ, chiến sĩ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường hành quân đạp núi xuyên rừng vào giải phóng miền Nam, với tinh thần “Tiểu đoàn Ba Đình đã đánh là thắng”.     

Để chi viện lực lượng cho chiến trường Trị - Thiên Huế, tiểu đoàn Ba Đình gồm đồng chí Nguyễn Hữu Trang - Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Chước - Tiểu đoàn phó, đồng chí Lê Hoàng Các - chính trị viên, đồng chí Đỗ Quang Hải – chính trị viên phó tiểu đoàn cùng hơn 600 cán bộ, chiến sĩ ba lô, súng đạn siết chặt vào vai (trung bình 40kg trên 1 cán bộ, chiến sĩ) lội suối, băng rừng với tinh thần lập công dâng lên Bác. Một cuộc hành quân thần tốc của hơn 600 con người hối hả vượt qua A Sầu, A Lưới, băng qua các cao điểm Tà Lách, rừng lau lách Bình Điền để đến điểm tập kết theo quy định, đúng kế hoạch. Tiểu đoàn Ba Đình đã có mặt ở chiến trường Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đúng vào dịp tết Mậu Thân năm 1968 (mồng 4 tết Mậu Thân). Đêm mưa xuân se lạnh với không khí Tết cổ truyền dân tộc, trên mỗi bàn thờ của nhà dân khói hương nghi ngút, trên đỉnh trạm 40 (ngã ba Hương Trà) những chiến sĩ của Tiểu đoàn Ba Đình được đón cái Tết đầu tiên của người lính trên chiến trường Trị - Thiên Huế, mỗi người dăm ba cái kẹo, vài điếu thuốc Tam Đảo để có thể cảm nhận được hương vị của Tết dân tộc, hương vị của quê nhà.

Theo đúng kế hoạch, tiểu đoàn lặng lẽ bám theo trinh sát, giao liên áp sát các ấp chiến lược kiểu mới, ấp La Chữ, Quê Chữ, Hương Chữ, Hương Trà. Tại đây, địch có 3 tiểu đoàn gồm lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng hòa, lính Pắc Chung Hy (Hàn Quốc). Sau pháo hiệu và kèn đồng, đúng 4h30 phút ngày 4/2/1968 (nhằm ngày mồng 5 tết Mậu Thân) tiếng hô xung phong vang khắp trời, Tiểu đoàn Ba Đình phối hợp với bộ đội và dân quân du kích địa phương từ nhiều hướng tấn công cùng bộ binh, pháo binh (cối 60 và cối 82) hợp đồng tác chiến cùng xung trận. Địch tập trung hỏa lực từ các chiến hào chống trả, tiếng hò la của tên chỉ huy, tiếng kêu khóc của những tên lính bị thương, tiếng đạn, pháo của hai bên vang rền cả vùng. 

Ngày đầu tiên trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt làm cho quân địch thiệt hại rất lớn, buộc chúng phải rút về co cụm ở Liễu Cốc Thượng, phía bắc Hương Chữ. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Ba Đình đã chiến đấu anh dũng, một số đồng chí đã nằm lại trên mảnh đất Quê Chữ, trong đó có đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Trang, Đại đội trưởng Nguyễn Thế Hệ, Trung đội trưởng Vũ Văn Bầu, chính trị viên Đại đội Nguyễn Công Lạc[1].

“...Đánh trận đầu ở làng Quê Chữ

Giặc chết nhiều không thể nào nhớ nổi

Máu anh em mình nhuộm đỏ một vùng quê…” 

Hôm nay đây, đoàn Cựu chiến binh Tiểu đoàn Ba Đình thành kính thắp nén hương cảm ơn sự hy sinh của các đồng chí, những người lính cùng nhập ngũ, cùng tiểu đoàn, cùng hành quân, cùng chiến hào, cùng chiến đấu, là anh em ruột thịt của mình. Và trong khoảnh khắc này, chúng ta lại nhớ rằng: tất cả các đồng chí suốt thời gian huấn luyện, từ khi nhập ngũ đến khi được lệnh thần tốc hành quân vào chiến trường, không hề được ngày nào về thăm quê, thăm bố mẹ, gia đình. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, người thì để mẹ già côi cút một mình, người thì vừa cưới vợ xong, người thì chưa kịp có người thương. Hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm trong sâu thẳm lòng mình đều hứa với ông bà tổ tiên, với quê hương làng xóm đến ngày thống nhất chúng con sẽ về “ra đi giữ trọn lời thề, chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương”. Những người may mắn được thấy đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối thì lời hứa đã trở thành sự thật, nhưng đối với các liệt sĩ đang an nghỉ nơi đây thì Hương Chữ, Hương Trà sẽ mãi là quê hương thứ hai nơi họ an nghỉ bên đồng chí, đồng đội của mình.

Ngay chính tại địa danh này, nhờ sự quan tâm của các cấp, chính quyền của 2 huyện Nga Sơn và thị xã Hương Trà, nhà bia mang tên Quê Chữ đã được xây dựng. Để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, hàng năm cứ đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch lãnh đạo và Nhân dân tổ dân phố Quê Chữ mua sắm lễ vật thực hiện theo nghi thức truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Qua đó, Đảng bộ và nhân dân Quê Chữ nói riêng, Hương Trà nói chung cùng phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

LÊ THỊ MAI AN

[1] Theo lời kể của Bác Đặng Duy Cương – CCB Tiểu đoàn Ba Đình (nguyên Bí thư huyện Nga Sơn, Thanh Hóa)