Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Mở đầu phiên họp, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc đột phá về thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ rất coi trọng công tác này. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật trình Quốc hội xem xét; kết quả được thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành hơn 380 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 Quyết định quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Trên cơ sở đó, Chính phủ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai việc đột phá về thể chế. Ngoài việc cần coi trọng về số lượng, kịp tiến độ, chúng ta đặc biệt phải coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta phải rất coi trọng giảm thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế “xin-cho”, giảm phiền hà cho các cơ quan, người dân, doanh nghiệp, nhất là chi phí tuân thủ khi phải thực hiện các thủ tục hành chính theo tinh thần cải cách hành chính mà Chính phủ thường xuyên tổ chức họp hằng quý. Nguyên tắc xây dựng luật phải tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, từ đó huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển đất nước theo đúng mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, hôm nay, Chính phủ tổ chức Phiên họp chuyên đề về xây pháp luật tháng 7/2024 (là phiên họp thứ 6 của năm 2024) để xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 nội dung quan trọng: 2 đề nghị xây dựng Luật: Tình trạng khẩn cấp; Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án Luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); 1 Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam.
Thủ tướng lưu ý phân công các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thể chế; thường xuyên rà soát, xem xét các vướng mắc, vấn đề phát sinh trên thực tiễn, những vấn đề mới, những vấn đề cần phải có các quy định pháp luật để thực hiện trên tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Khi chúng ta đã làm có nền nếp, lớp lang thì mọi công việc sẽ suôn sẻ. Ngoài ra, phải đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế; các yêu cầu về điều kiện bảo đảm như tư liệu, tài liệu, các trang thiết bị cần thiết khác; ưu tiên chế độ chính sách cho những cán bộ tham gia xây dựng pháp luật; bố trí nguồn lực cho công tác này phải là những người có trách nhiệm cao, có tinh thần trách nhiệm, đam mê, cảm xúc đối công việc được phân công; cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, sáng kiến trong quá trình xây dựng pháp luật (các Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư của các bộ).
Thủ tướng nêu rõ, đã qua 6 tháng đầu năm 2024 và 3 năm của nhiệm kỳ này, các bộ, ngành cần xem xét những cán bộ nào từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thành tích xuất sắc trong xây dựng thể chế thì đề xuất khen thưởng đột xuất; Bộ Nội vụ quan tâm và hướng dẫn công tác này. Bên cạnh đó, phải rà soát lại những ai chưa làm tốt phải kiểm điểm, nhắc nhở; ai vi phạm phải xử lý; từ đó tạo công bằng, công minh, khách quan, bình đẳng trong công tác này.
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ cũng xem xét chủ trương quan trọng là xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trên tuyến bắc-nam. Bộ Chính trị đã có Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do đó Chính phủ phải cụ thể hóa chủ trương này. Việc này đã được đặt ra hơn 10 năm, đây cũng là công việc phải thực hiện theo Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị. Đây là việc lớn, do đó phải xin ý kiến của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Lưu ý thời gian có hạn, yêu cầu cao, phạm vi rộng, nội dung phong phú, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp. Thủ tướng lưu ý tinh thần xác định trong Luật phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, từ đó dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thi đua khen thưởng.