Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác của Trung ương chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, người dân huyện Nam Đông. Ảnh: AP |
Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh:
Tình cảm của Tổng Bí thư đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất sâu đậm
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong thời gian làm Chủ tịch Quốc hội rồi Tổng Bí thư, ông đã có nhiều lần đến làm việc tại Thừa Thiên Huế, nhưng chúng tôi nhớ nhất 2 lần ông bố trí thời gian đến thăm đồng bào các DTTS huyện Nam Đông và A Lưới.
Năm 2009, Tổng Bí thư đã đến thăm bà con xã Hương Sơn (Nam Đông); năm 2014, ông lên thăm hỏi đồng bào xã Hồng Hạ (A Lưới). Trong những lần đến thăm này, ông đều bố trí thời gian đến tận nơi, ân cần thăm hỏi, xem nơi ăn ở, đời sống sinh hoạt, đất sản xuất của đồng bào. Qua nắm bắt, ngoài những chính sách hỗ trợ người DTTS, hỗ trợ những công trình dân sinh trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên xóa đói giảm nghèo, Tổng Bí thư còn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của bà con. Khi thấy người dân đang thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà Gươl), Tổng Bí thư đã tặng mỗi xã một ngôi nhà Gươl. Đây quả là những món quà quý giá, là tình cảm đặc biệt của Tổng Bí thư đối với đồng bào các DTTS của tỉnh.
Tổng Bí thư đã đi xa, nhưng tầm vóc, trí tuệ của một người cộng sản trung kiên vẫn còn mãi. Đồng bào các DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế nguyện lấy tấm gương của Tổng Bí thư làm “kim chỉ nam” để tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Trần Nhật, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh:
Vận dụng tư tưởng, tác phẩm của Tổng Bí thư vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học
Trên các cương vị công tác và khi giữ những chức vụ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều tác phẩm đề cập đến các vấn đề trọng yếu của đất nước. Gần đây, Tổng Bí thư có một số tác phẩm nhận được sự quan tâm đón nhận rất lớn của cán bộ, đảng viên, Nhân dân cả nước và đông đảo học giả, bạn bè quốc tế.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng đó, trong quá trình lãnh, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh luôn quán triệt đến các giảng viên trên cơ sở nội dung chuyên môn của từng chuyên đề bài giảng, phải chủ động, linh hoạt trong lựa chọn để vận dụng lồng ghép các nội dung trong các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phù hợp với nội dung của các chuyên đề; đưa nội dung tư tưởng của các cuốn sách mang ý nghĩa định hướng, soi đường cho cách mạng Việt Nam trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Qua đó, củng cố, nâng cao niềm tin, cổ vũ, động viên, tạo động lực cho cả dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức, quyết tâm phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng XHCN, góp phần lan tỏa, quảng bá đường lối đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế và đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Việc vận dụng tư tưởng, tác phẩm của Tổng Bí thư vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, học viên nâng cao nhận thức, phát triển tư duy lý luận, từ đó thống nhất trong ý chí và hành động, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương, đất nước theo những mục tiêu mà Đảng đã đề ra.
Thượng tá Trương Viết Hải, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
Quyết tâm thực hiện đúng tinh thần “7 dám” và “5 quyết tâm, 5 chủ động” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm gần gũi, ấm áp và quan tâm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT). Với trí tuệ, tầm nhìn chiến lược cùng tư duy nhạy bén, sắc sảo, Tổng Bí thư đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị hoạch định đường lối, chính sách về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, mà cụ thể là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và khóa XIII. Trên cơ sở hai chiến lược đó, các cấp, các ngành đã ban hành những đề án để cụ thể hóa chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Đối với LLVT tỉnh, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc vai trò lãnh, chỉ đạo của Tổng Bí thư. Thời gian tới, chúng tôi xác định luôn là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Thừa Thiên Huế. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các lực lượng để nắm, đánh giá và dự báo chính xác các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh ngày càng vững chắc.
Chúng tôi tiếp tục quán triệt trong cán bộ, chiến sĩ thực hiện đúng tinh thần “7 dám” của Tổng Bí thư: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” và mới nhất là “5 quyết tâm, 5 chủ động” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ X.
Anh Trần Đại Hiệp, Trưởng Ban phong trào Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh:
Nhớ mãi lời dặn “5 tiên phong” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bản thân tôi vinh dự được tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XII diễn ra vào tháng 12/2022, được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm niềm tin tuyệt đối vào thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Với lời dặn “5 tiên phong”, Tổng Bí thư mong muốn thế hệ trẻ: Tiên phong trong việc trau dồi đạo đức cách mạng; Tiên phong trong học tập, rèn luyện; Tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo; Tiên phong, tình nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong việc khó, việc mới, sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng; Tiên phong trong việc bảo vệ vũng chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc.
Trước những niềm tin, kỳ vọng của Tổng Bí thư dành cho thế hệ thanh niên, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân. Từ đó, ra sức học tập, nêu cao tinh thần đoàn kết, xung kích tình nguyện và thể hiện khát vọng cống hiến, ý tưởng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Bà Ngô Thị Thu Hương, Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh:
Người lãnh đạo giản dị, gần gũi, ấm áp và chân thành
Tôi được vinh dự tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 tại Hà Nội và được nghe sự chỉ đạo, căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Tôi nhớ như in khoảnh khắc Tổng Bí thư bước chân vào hội trường, nở nụ cười tươi, bắt tay chào hỏi các đại biểu. Trong chúng tôi, những cán bộ công đoàn dự đại hội hôm ấy có người mắt đỏ hoen vì xúc động bởi được nhìn thấy người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng lại gần gũi, giản dị, chân thành và rất đỗi ấm áp.
Lời căn dặn của Tổng Bí thư tại đại hội khiến tôi nhớ mãi: “Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì?”.
Trong bài phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư đã dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đối với tổ chức Công đoàn. Từng câu, từng chữ trong bài phát biểu của đồng chí thể hiện tư duy lý luận và tầm nhìn sâu sắc về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, về sự sâu sát cơ sở, yêu thương, trân trọng đối với những đóng góp của người lao động.
(thực hiện)