Công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư |
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra cho tỉnh nhiều cơ hội. Trong đó, xác định đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Những bản quy hoạch này là cơ sở pháp lý quan trọng để hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương thẩm định công nhận hồ sơ khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; thông qua hồ sơ đề án công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.
Đối với huyện Phong Điền, trong công tác quy hoạch chỉ rõ, địa phương này có nhiều loại địa hình (núi, đồng bằng, đầm phá và ven biển), có nhiều di tích được công nhận, trong đó có 7 di tích quốc gia và có nhiều điểm du lịch góp phần đưa ngành du lịch toàn tỉnh trở thành ngành kinh tế động lực. Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đặt tại Phong Điền với quy mô 950 giường (dự kiến mở rộng lên 1.500 giường) không chỉ phục vụ khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện, mà còn hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 1 trong khám, chữa bệnh cho người dân các tỉnh lân cận, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu. Ngoài ra, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị, khu dân cư mới góp phần chia sẻ áp lực về mật độ dân số tại khu vực đô thị trung tâm, phục vụ bảo tồn giá trị đặc sắc Cố đô.
Các căn cứ đó đã tạo cơ sở để xem xét áp dụng phân loại đô thị Phong Điền theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 9 Nghị quyết về phân loại đô thị.
Cùng với Phong Điền, các đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) phục vụ đề án Trung ương đã cơ bản hoàn thành. Song, ở một số địa phương, công tác lập QHPK vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương đầu tư cho các dự án đầu tư công, cũng như dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách; khó thu hút các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài; ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân…
Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII mới đây, ở phiên chất vấn, trả lời chất vấn, đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn thẳng thắn: Công tác lập nhiệm vụ, thẩm định QHPK chức năng để kêu gọi đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các công trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp đẩy mạnh công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời gian tới.
Sau khi thông tin về tiến độ lập quy hoạch, thẩm định các quy hoạch, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thừa nhận việc hoàn thành QHPK để tổ chức kêu gọi các dự án đầu tư còn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số quy hoạch có chất lượng thấp, chưa gắn với nguồn lực thực hiện; tính khả thi của các đồ án quy hoạch được phê duyệt chưa cao. Quá trình tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư liên quan đến một số đồ án quy hoạch còn mang tính hình thức.
Nguyên nhân được chỉ ra đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành từ lâu, chậm rà soát, sửa đổi kịp thời cho phù hợp tình hình thực tế, gây ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Khối lượng công việc đang triển khai rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện công tác quy hoạch còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, địa phương hoặc được bố trí nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ; đồng thời, nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý quy hoạch ở các phòng, ban thuộc các đơn vị liên quan chưa được bổ sung, tăng cường nên góp phần gây nên sự chậm trễ trong công tác thẩm định, phê duyệt các quy hoạch khác chưa mang tính cấp thiết; quy trình lập quy hoạch kéo dài…
Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng chỉ ra 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch cần tập trung thực hiện. Đáng chú ý là phải tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục...
Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, để đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết cho phép ứng trước ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng để triển khai thực hiện.
Hành trình hiện thực hóa thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh đang đến rất gần. Do vậy, nhiệm vụ quy hoạch cũng cần phải gấp rút hoàn thiện. Bởi, hậu quả của việc chậm phê duyệt QHPK sẽ kéo theo việc hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, quá tải; cảnh quan, kiến trúc chưa được chú trọng, môi trường bị ảnh hưởng; tỉnh có thể bỏ lỡ nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư. Ngoài ra, sau khi hoàn thiện các quy hoạch cần có cơ chế giám sát triển khai thực hiện quy hoạch chặt chẽ, thấu đáo.