Du khách Hàn Quốc đến Huế |
Tăng trưởng du lịch từ ASEAN+3
Nhìn vào số liệu thống kê du lịch 6 tháng đầu năm, có thể thấy sự tăng trưởng tích cực về lượng khách quốc tế của ngành du lịch Việt Nam. Tổng lượng khách quốc tế 6 tháng lên hơn 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm du lịch phát triển rất tốt.
Sự hợp tác chặt chẽ với các quốc gia ASEAN+3 đã mang lại nhiều cơ hội cho du lịch Việt, trong đó 3 thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản có lượng khách đến Việt Nam tăng mạnh. Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với 2,2 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,8 triệu lượt (chiếm 21,4%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,2% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua. Nhật Bản cũng có lượng khách đến Việt Nam cao, xếp thứ 5 với 336 nghìn lượt. Trong khi đó, về động lực tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế. Trong đó, thị trường Trung Quốc tăng 229,4% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc (+42,4%), Nhật Bản (+39,2%). Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Indonesia (+116,1%), Philippines (+57,3%), Lào (+19,9%), Campuchia (+17%), Malaysia (+9,3%), Singapore (+9,8%).
Đối với Thừa Thiên Huế, lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm đã tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù có sự đa dạng về lượng khách đến từ các quốc gia, song lượng khách từ các quốc gia ASEAN+3 cũng có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan…
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 45, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, sự hỗ trợ liên tục từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho sự phát triển du lịch ASEAN, đặc biệt các dự án, sự kiện xúc tiến đã giúp quảng bá hình ảnh du lịch ASEAN tại 3 quốc gia này. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những thị trường nguồn quan trọng của Việt Nam và Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại; trong đó, Việt Nam đã áp dụng chính sách thị thực mới, nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) lên 90 ngày và nâng thời hạn tạm trú đối với một số nước đủ điều kiện lên 45 ngày.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, kể từ khi nhà ga T2 của Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài được đưa vào khai thác, ngành du lịch đã tổ chức các chuyến bay bao trọn chuyến đến và đi từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Hàn Quốc từng là thị trường khách hàng đầu đến Huế, nhưng một số năm qua có dấu hiệu chững lại và hiện nay đang có sự phục hồi. Du lịch Cố đô cũng đón rất nhiều du khách Trung Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN và đang tìm giải pháp để tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách từ các quốc gia này.
Tìm giải pháp tăng lượng khách
Nhìn vào top 10 lượng khách quốc tế đến Huế 3 tháng liên tục (tháng 4,5,6/2024), mặc dù Thừa Thiên Huế thu hút rất tốt khách châu Âu và một số nước từ ASEAN như Thái Lan, Malaysia nhưng nhìn chung, sự vắng bóng của nhiều nước của ASEAN+3 trong top 10 đặt ra vấn đề về yêu cầu phải tìm giải pháp tăng lượng khách khi những thị trường khách quốc tế này đang có xu hướng lựa chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch.
Theo đại diện Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, sở dĩ lượng khách từ các quốc gia trên chưa “bùng nổ” đối với du lịch Huế là vì từng thị trường khách quốc tế có những đòi hỏi, nhu cầu khác nhau. Điển hình như khách du lịch Nhật Bản đòi hỏi về dịch vụ cao, trải nghiệm văn hóa sâu sắc. Trong khi đó, các sản phẩm đối với thị trường chuyên biệt ở tầm cao thì các doanh nghiệp làm du lịch ở Huế vẫn chưa có nhiều. Đối với khách Hàn Quốc, xu hướng du khách thích các sản phẩm du lịch spa nhưng Huế chưa nhiều cơ sở đáp ứng với quy mô lớn. Còn với khách Trung Quốc, nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức hải sản, nghỉ dưỡng biển và các dịch vụ vui chơi giải trí, song, tính cạnh tranh về lĩnh vực này của Huế chưa cao. Vấn đề này đòi hỏi những chiến lược ngắn hạn và lâu dài, trong đó ngoài việc bổ sung, xây dựng và hoàn thiện các dịch vụ du lịch thì cần tiếp tục kêu gọi đầu tư, đáp ứng hạ tầng, dịch vụ và xây dựng thêm các sản phẩm du lịch phù hợp.
Hiện nay, du lịch ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng đang nhận được sự hỗ trợ liên tục từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho sự phát triển du lịch ASEAN, đặc biệt các dự án, sự kiện xúc tiến đã giúp quảng bá hình ảnh du lịch ASEAN tại 3 quốc gia này. Ngành du lịch tỉnh cần tìm giải pháp để đưa hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế hiện diện nhiều hơn để du khách biết đến.
Một định hướng quan trọng mà ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã đặt ra là tập trung chiến lược quảng bá du lịch hiệu quả, qua các kênh truyền thông quốc tế. Ngành du lịch tỉnh cũng hướng đến sẽ mời các Travel bloggers, KOLs, Vlog nổi tiếng cả trong và ngoài nước để truyền cảm hứng du lịch đến với công chúng, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin điểm đến và nhu cầu trải nghiệm của du khách ở các thị trường khác nhau. Đây là một giải pháp rất hiệu quả được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên vấn đề là ngành du lịch cần linh hoạt cách làm để có được nguồn kinh phí đáp ứng được mục tiêu truyền thông.