RCEP sẽ giúp biến ASEAN thành động lực tăng trưởng mới ở châu Á. Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn |
Theo các chuyên gia phân tích, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng và hội nhập lâu dài của khu vực. Nhu cầu mạnh mẽ về nguyên liệu thô và vị thế cường quốc sản xuất của ba nước này đã thúc đẩy thương mại với ASEAN. Được biết, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với thương mại song phương đạt hơn 911 tỷ USD vào năm 2023, trong khi Nhật Bản là đối tác lớn thứ ba của khu vực, và Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ tư.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào các nước thành viên ASEAN đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực như điện tử và sản xuất ô tô. Giờ đây, ô tô do ASEAN sản xuất được xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi và thậm chí cả Nhật Bản. Cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều vào khu vực ASEAN, đặc biệt là vào Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất. Chắc chắn, những khoản đầu tư này đã đẩy mạnh việc chuyển giao kiến thức và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động ASEAN, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực trên thị trường toàn cầu.
Việc thành lập RCEP đã tăng cường hơn nữa hội nhập kinh tế khu vực. Thỏa thuận thương mại lớn này giữa tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã tạo ra một khu vực thương mại tự do bao trùm gần 1/3 dân số thế giới (2,3 tỷ người) và tổng GDP tích lũy khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. RCEP đã xóa bỏ thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa được giao dịch giữa 15 nền kinh tế ký kết, qua đó giúp mở rộng thương mại và thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, RCEP cũng thúc đẩy việc hài hòa hóa các quy định và tiêu chuẩn, đơn giản hóa thương mại xuyên biên giới và tạo ra một môi trường kinh doanh dễ dự đoán hơn. Sự hội nhập kinh tế này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các nước Đông Nam Á, khi dòng chảy thương mại gia tăng dẫn đến lợi thế về quy mô, cho phép các nhà sản xuất ASEAN được hưởng lợi từ chi phí sản xuất tương đối thấp và cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường toàn cầu.
Ông Kin Phea, Tổng giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia cho biết tất cả các nước thành viên RCEP, đặc biệt là các nước ASEAN, đã dần thu được lợi ích từ hiệp định thương mại này bằng cách hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
“RCEP sẽ giúp biến ASEAN thành động lực tăng trưởng mới ở châu Á”, ông Phea nhận định.
Ngoài ra, FDI của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cung cấp nguồn vốn rất cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa và tạo việc làm ở Đông Nam Á. Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng đến năm 2030, RCEP có thể làm tăng thu nhập của toàn khu vực khoảng 0,6%, tương đương với tăng thêm mỗi năm 245 tỷ USD và tạo thêm 2,8 triệu việc làm.
Chuyên viên Thong Mengdavid tại Viện Tầm nhìn châu Á cho rằng, hiệp ước thương mại lớn này đã trở thành “chất xúc tác cho thương mại khu vực và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, tạo động lực mạnh mẽ cho việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai vì nhân loại”.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức. Khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước thành viên ASEAN đã tạo ra sự chênh lệch về lợi ích, khi các nước kém phát triển gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, sự gia tăng nhập khẩu từ các nền kinh tế tiên tiến hơn có thể đe dọa các ngành công nghiệp nội địa của một số quốc gia thành viên ASEAN. Vì vậy, cần có các phản ứng chính sách hiệu quả để thu hẹp những khoảng cách này và đảm bảo tăng trưởng toàn diện.
Tóm lại, các thành viên của RCEP, đặc biệt là ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đang đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình bối cảnh kinh tế của châu Á và châu Đại Dương. Thông qua thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ và hội nhập chuỗi cung ứng, các nền kinh tế này đang thúc đẩy một nền kinh tế khu vực năng động, trong đó RCEP - với trọng tâm là tạo thuận lợi thương mại và hài hòa hóa các quy định, là một cột mốc quan trọng trong hành trình kinh tế của khu vực.
Trong tương lai, đảm bảo phân phối lợi ích công bằng và thu hẹp khoảng cách về năng lực và phát triển giữa các nền kinh tế trong khu vực vẫn đóng vai trò rất quan trọng để tối đa hóa tác động tích cực của hội nhập kinh tế khu vực đối với sự phát triển của châu Á và châu Đại Dương.
(Lược dịch từ Chinadaily & ADB)