Nắng chiều nhuốm nước sông Ô Lâu thành màu hổ phách. Hoàng hôn khoác lên 12 bến nước chạy dọc triền sông một màu áo trầm tích xưa cũ. Những bến sông vắng vẻ, quạnh quẽ và buồn hiu hắt. Một con đò nằm lẻ loi và đơn chiếc. Ai đó đã neo nó vào đây, lâu lắm rồi, bởi lá cây rụng trên đò rất nhiều, đến mức lá đã khô cong vì nắng. Những lớp sóng mang theo phù sa phía thượng nguồn vỗ bờ thật nhẹ. Ô Lâu miệt mài bồi đắp phù sa, không biết mỏi mệt ngày đêm, năm tháng để những khu vườn ở Phước Tích xanh mướt cây trái bốn mùa. Tôi nhận ra, phù sa đất mẹ đã hoài thai bóng hình xứ sở.
Những khu vườn ở Phước Tích là một đôi tay rộng lớn, dang ra và ôm lấy bảo vệ nhà cổ. Người Phước Tích sống chan hòa với thiên nhiên, đời sống thường nhật đắm chìm trong màu xanh của lá cỏ. Những khu vườn um tùm ấy do một tay người già sống dưới mái nhà cổ chăm sóc. Trong vườn có các loại cây phục vụ cho bữa ăn thường ngày như chuối, vả, mít cho đến các loại cây cảnh như cau, chè tàu. Họ minh triết khi trồng trước ngõ một hàng cau, sau nương một hàng chuối. Cho thấy người Phước Tích có sự tự chủ trước thiên nhiên, không hề dễ dãi với không gian sống của mình. Tôi nhìn vào sự sắp đặt ấy, không thấy sự khiên cưỡng, chỉ thấy tất cả hiện hữu thật duyên dáng và có ý nghĩa.
Người già thường muốn trở về. Đó là một cuộc trở về trong tâm tưởng, trở về với những điều căn bản và thiện lành nguyên sơ nhất của đời sống con người, trở về để tự thân tìm thấy sự an yên trong lòng mình. Có lẽ, người già ở Phước Tích đã tìm thấy niềm vui giản dị trong cuộc sống qua thiên nhiên. Họ neo tuổi xế chiếu vốn lắm nỗi cô đơn vào vườn tược. Cố nhiên, thiên nhiên chưa bao giờ bỏ mặc con người. Thiên nhiên xoa dịu những nỗi buồn vu vơ và bất chợt của người già bằng chính vẻ đẹp bình dị và nguyên sơ của nó. Một sự bù trừ như chân lý vĩnh hằng, như luật bất thành văn; chính người Phước Tích đã nhận ra điều ấy.
Cây trái bao quanh hay kiến trúc ba gian hai chái chỉ là vẻ đẹp bên ngoài của những ngôi nhà cổ. Tôi chiêm nghiệm và nhận ra, cái đẹp thực sự của những ngôi nhà cổ ở Phước Tích nằm ở nội tâm sâu lắng và lối sống thanh cao của gia chủ. Dưới những mái nhà cổ phủ màu rêu xanh, có những người già sống âm thầm và lặng lẽ để giữ gìn gia phong cho con cháu, giữ gìn dấu xưa cho thế hệ mai sau. Khi thế hệ trước rũ bỏ bụi trần để ra đi, thế hệ trẻ bỏ lại sau lưng làng quê để lên phố, thì chính họ lại ôm vào lòng những ký ức xưa cũ để sống, dẫu rêu phong đã phủ xanh kỷ niệm. Chính lối sống ấy là một “di sản” vô giá mà người già ở Phước Tích để lại cho con cháu mai sau.
Chiều đã về trên bến sông quê. Gió từ bên Hà Cát thổi qua sông Ô Lâu, ôm vào lòng sự mát lành của nước, rồi tràn lên đất Phước Tích. Bất giác, tôi nhận ra, ngọn gió dữ đến mấy thổi qua Ô Lâu cũng hóa ngọn gió lành. Có lẽ vì thế mà người nơi đây mang ơn dòng nước hiền hòa này. Tôi lặng yên nghe tiếng gió chiều thổi êm đềm và lả lướt. Thanh âm vi vu như bất tận của gió giống một điệu hò Nam Ai vang lên giữa đất trời. Phía cuối đường, tà dương ôm choàng lên hai dáng hình. Bóng hai mệ cháu nắm chặt tay nhau đổ dài trên lối nhỏ về nhà.