Trên nhật báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân, xuất bản tại Huế, có in bức thư của Hồ Chủ tịch, đề ngày 4/12/1945, gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đang ngày đêm anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp, trong thư có đoạn: “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi cũng như bao nhiêu đồng bào ở Bắc Bộ và phía Bắc Trung Bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe tin bọn thực dân Pháp đạp lên miếng đất của cha ông ta, giết hại nòi giống ta. Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp có thể khóc được trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc. Do đó, tôi càng tin chắc rằng: với một quốc gia đã có những đứa con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa”. Tiếp sau đó, trong “Thư gửi đồng bào Việt Nam”, Người lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Ngày 7/11/1946, Người đến dự lễ “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của cả dân tộc đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ hăng hái tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, mặc dầu anh chị em tình nguyện chịu đựng đau đớn, không kêu ca, phàn nàn.
Trước tình hình ấy, tháng 6/1947, Hồ Chủ tịch đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Hồ Chủ tịch, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, có sự tham dự của một số đại biểu ở Trung ương, cấp khu và tỉnh. Sau khi dân chủ thảo luận, hội nghị nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm làm “Ngày Thương binh, liệt sĩ” và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.
Cũng vào dịp này, báo Vệ Quốc quân, cơ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam, số ra ngày 27/7/1947 đăng thư của Hồ Chủ tịch gửi Thường trực Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Mở đầu thư, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”. Và Người giải thích thêm: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Cuối thư, Người kêu gọi đồng bào nhường cơm xẻ áo giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã tình nguyện góp một chiếc áo lụa, một tháng lương và nhịn ăn một bữa của Người và tất cả các nhân viên Văn phòng Chính phủ, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh.
Qua năm 1948, vào dịp ngày 27/7, trong một lá thư dài đầy tình thương yêu, Người nói: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to, đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”. Và “Họ quyết liều chết chống địch, để Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở thành bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ mãi không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.
Năm 1949, Người lại gửi tặng anh chị em thương binh một số khăn mặt, áo quần và một tháng lương là 1.000 đồng. Năm 1950, Người gửi tặng thương binh và gia đình liệt sĩ một tháng lương. Năm 1951, ngoài việc tặng chị em thương binh mấy bộ áo quần, Người đề nghị “Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã trích một phần ruộng công, vận động đồng bào cầy cấy, lấy hoa lợi đón thương binh về xã. Anh em thương binh tùy sức mà làm công việc nhẹ, làm như vậy giúp lâu dài chứ không phải là giúp một thời gian”.
Từ sau đấy, phong trào đón thương binh về làng do Hồ Chủ tịch kêu gọi đã được chính quyền, đoàn thể và đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng, đặc biệt là mấy xã ở Thanh Hóa và Phú Thọ. Ngày 27/7/1952, trong thư gửi Bộ trưởng Thương binh - Cựu binh, Người đề nghị coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là một nghĩa vụ chứ không nên coi đó là một việc làm phúc. Người cũng căn dặn anh chị em thương binh “tránh tâm lý công thần, chớ bi quan chán nản, hòa mình với Nhân dân và luôn cố gắng”.
Năm 1954, sau khi Thủ đô được giải phóng, ngày 31/12, Người cùng các đồng chí Trung ương đã đến đặt vòng hoa trước Đài liệt sĩ - Đài mới được dựng trên khoảng đất rộng trong vườn hoa, cạnh Quảng trường Ba Đình, trước Phủ Chủ tịch.
Đứng trước Đài liệt sĩ, nghi ngút mùi trầm thơm ngát, Người bùi ngùi xúc động tưởng nhớ các liệt sĩ mà không cầm được nước mắt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Người đọc điếu từ, có đoạn: “Hỡi các liệt sĩ, trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Máu xương của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời truyền với sử xanh.
Một nén hương thanh
Với lời an ủi
Anh linh của các liệt sĩ bất diệt
Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm…”
Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, trong một lần đi thăm thương bệnh binh hỏng mắt, Người khuyên anh chị em “tàn mà không phế”. Người đã dành nhiều phần thưởng cho các thương binh lao động, học tập giỏi. Trong những lời chúc mừng năm mới, kêu gọi đồng bào; những ngày kỷ niệm kháng chiến, Người vẫn gửi lời chúc thân ái đến các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân...
Những năm tháng ấy dù đất nước còn khó khăn và rất bận rộn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm dành tình cảm đặc biệt cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Người đã viết khoảng 25 bức thư gửi anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ và Người đã gương mẫu, thực tế đóng góp tặng phẩm, tiền lương, nhuận bút của mình để giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.